Chuỗi video tự học spss hoàn toàn miễn phí


Chuỗi video tự học spss hoàn toàn miễn phí
» » » Luận văn tìm hiểu bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam


MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU 3
CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ 3
1.1. Sở hữu trí tuệ 3
1.2 Quyền sở hữu trí tuệ 3
1.3 Bảo hộ sở hữu trí tuệ 3
1.4 Vai trò của bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với đầu tư quốc tế 3
1.4.1 Vai trò chung 3
1.4.2 Vai trò đối với đầu tư quốc tế 3
CHƯƠNG 2 CÁC HIỆP ĐỊNH VỀ BẢO HỘ SỞ HỮU TRÍ TUỆ 3
2.1 Khái quát quá trình phát triển của quyền SHTT tại Việt Nam qua các thời kì: 3
2.1.1 Giai đoạn trước năm 1982. 3
2.1.2 Giai đoạn từ 1982 đến 2005: 3
2.1.3 Giai Đoạn từ 2005 đến nay: 3
2.2 Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định thương mại Việt-Mỹ (BTA) 3
2.2.1 Hiệp định thương mại Việt- Mỹ (BTA) 3
2.2.2 Nội dung bảo hộ sở hữu trí tuệ của BTA 3
2.3 Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TRIPs của WTO 3
2.3.1 Hiệp định TRIPs của WTO 3
2.3.2 Nội dung về bảo hộ sở hữu trí tuệ của Hiệp định TRIPs 3
2.4 Bảo hộ sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TRIPs+  của TPP 3
2.4.1 Hiệp định TPP 3
2.4.2 Nội dung bảo hộ sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TPP – TRIPs+ 3
CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TẠI VIỆT NAM. 3
3.1Những thành tựu đạt được trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam. 3
3.1.1 Đăng kí quyền sở hữu công nghiệp: 3
3.1.2 Công tác nghiên cứu, đào tạo và tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT: 3
3.1.4 Thông tin về sở hữu công nghiệp 3
3.1.5 Thực thi về khiếu nại trong sở hữu công nghiệp 3
3.2 Những hạn chế trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp: 3
3.2.1 Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước còn hạn chế 3
3.2.2 Chế tài trong xử lí vi phạm chưa cao 3
3.2.3 Sự chồng chéo trong hệ thống quản lí Quyền SHTT 3
3.3 Tình hình bảo hộ SHTT việt nam ở nước ngoài. 3
3.3.1 Vị trí của bảo hộ SHTT Việt Nam trên thế giới. 3
3.3.2 Cách thức xâm phạm: 3
3.3.3 Hậu quả của việc thương hiệu bị chiếm đoạt. 3
3.3.4 Một số ví dụ thực tế 3
3.3.5 Cách thức bảo hô thương hiệu ở nước ngoài 3
CHƯƠNG 4 GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG HIỆU LỰC CỦA VIỆC THỰC THI QUYỀN LỰC SỞ HỮU TRÍ TUỆ TẠI VIỆT NAM 3
4.1. Nhóm giải pháp về hoàn thiện pháp luật: 3
4.1.1 Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ cho phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu thực tế hiện nay. 3
4.1.2 Quy định thời hạn tối đa để giải quyết vụ kiện là không quá 2 tháng kể từ ngày nộp đơn hợp lệ. 3
4.2. Nhóm giải pháp về hoàn thiện tổ chức: 3
4.3. Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực của Toà án: 3
4.4. Nhóm giải pháp về tuyên truyền giáo dục: 3
4.5. Nhóm giải pháp về phía doanh nghiệp: 3
KẾT LUẬN 3
TÀI LIỆU THAM KHẢO 3


LỜI MỞ ĐẦU

Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, sở hữu trí tụê là một công cụ đắc lực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Thực tiễn cho thấy, nhiều công ty, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã rất thành công và trở nên nổi tiếng nhờ khai thác có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ. Đối với các doanh nghiệp nước ta, quyền sở hữu trí tụê cũng đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Quyền sở hữu trí tuệ đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành một nền kinh tế toàn diện và phát triển bền vững. Chứng chỉ về quyền sở hữu trí tuệ là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nhân tiến vào thị trường thế giới. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp nước ta buộc phải tham gia môi trường cạnh tranh quốc tế với cường độ cao, với những yêu cầu chặt chẽ về thực thi các quy định về sở hữu công nghiệp.
Quyền sở hữu trí tuệ khuyến khích các hoạt động sáng tạo và đổi mới. Chúng mang lại sự tin tưởng cho chủ sở hữu khi chuyển giao kiến thức, công nghệ và bí quyết. Không thể nói hết về nhu cầu phát triển một hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiện đại, vận hành trôi chảy và được thực thi một cách đầy đủ. Đó là tâm điểm cho việc phát triển các quan hệ thương mại và đầu tư dài hạn và lành mạnh, tạo cơ sở cho việc chuyển giao công nghệ thành công giữa các bên
Tuy nhiên, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ là tình trạng phổ biến ở Việt Nam, mà các quốc gia khác trên thế giới cũng như vậy, kể cả các nước phát triển như Mỹ, Đức, Pháp… Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam là không chỉ riêng người dân chưa nhận thức về sở hữu trí tuệ, mà ngay cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp cũng chưa coi trọng vấn đề này.
Trong môi trường kinh tế thị trường hiện nay, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng sáng chế là cách bảo hộ quyền lợi thiết thực trong kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong số 95.000 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam, chỉ 20% là của doanh nghiệp Việt Nam. Đa số nhãn hiệu đăng ký lại là của các doanh nghiệp tư nhân, rất ít doanh nghiệp nhà nước tham gia.
Cần phải nhìn nhận một thực tế là, quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam bị xâm phạm ngày càng phức tạp. Hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép, hàng lậu… đang được bày bán công khai ở mọi nơi. Nguy cơ này sẽ ngày càng tăng khi mà chúng ta mở cửa rộng rãi hơn. Ý thức của người tiêu dùng cũng là vấn đề đáng lo ngại. Nguyên nhân của hiện tượng này do giá bán hàng giả chỉ bằng 1/3 đến 1/10 giá của hàng thật nên người tiêu dùng biết là hàng giả nhưng vẫn dùng vì “giá rẻ”.
Do đó cần phải có biện pháp cũng như chính sách nhằm nâng cao hiệu lực thực thị bảo hộ sở hữu trí tuệ, nâng cao tầm hiểu biết của công đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng về sở hữu trí tuệ. Trong khi đó chúng ta đã tham gia rất nhiều tổ chức đa phương và song phương, vấn đề sở hữu trí tuệ luôn là chủ đề nóng trong các cuộc đàm phán, đặc biệt là trong vòng đàm phán TPP đang diễn ra gần đây.
Trước tình trạng cấp thiết của sở hữu trí tuệ Việt Nam, nhóm cần phải hiểu một cách tổng quan về sở hữu trí tuệ nói chung, và thực trạng thực thi bảo hộ sở hữu trí tuệ tai Việt Nam trong những năm qua, để từ đó có những kiến nghị giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực thực thi sở hữu trí tuệ tại Việt Nam để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, cộng đồng doanh nhân chân chính. Với mục tiêu này chúng em chọn đề tài “ Tìm hiểu thực trạng bảo hộ sở hữu trí tuệ tại Việt Nam” làm đề tài tiểu luận của nhóm.

CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

1.1. Sở hữu trí tuệ
Điều 2 (8) của Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ký ngày 14-7-1967 quy định: “Sở hữu trí tuệ bao gồm các quyền liên quan đến các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; các cuộc biểu diễn của nghệ sĩ biểu diễn, các bản ghi âm và các chương trình phát sóng; các sáng chế trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người; các khám phá khoa học; các kiểu dáng công nghiệp; các nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ và các tên thương mại; bảo hộ chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh; và tất cả các quyền khác nảy sinh từ kết quả của hoạt động trí tuệ thuộc các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghiệp”.
Từ khái niệm trên, Sở hữu trí tuệ được chia thành hai nhóm:
Sở hữu công nghiệp: bảo hộ các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hóa và quyền sở hữu đối với các đối tượng khác do pháp luật quy định;
Quyền tác giả: bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học và những sáng tạo trong lĩnh vực quyền kề cận hay được gọi là quyền liên quan.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 (sửa đổi, bổ sung vào năm 2009), quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Trong nền kinh tế tri thức, khái niệm sở hữu trí tuệ được mở rộng không chỉ là sở hữu công nghiệp và quyền tác giả, mà theo nghĩa rộng, còn là những đăng ký, thương hiệu, quảng cáo, các dịch vụ tài chính, cố vấn cho các xí nghiệp, thị trường tài chính, y tế (kiến thức y học), giáo dục và khoa học, công nghệ; các thư viện, ngân hàng dữ liệu điện tử, các sản phẩm nghe nhìn và các trò chơi video; công nghệ sinh học, các thư viện và ngân hàng dữ liệu truyền thông, công nghiệp dược phẩm.
Suốt chiều dài lịch sử phát triển của xã hội loài người, tri thức luôn là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và công nghệ kỹ thuật số với những ứng dụng to lớn của nó trong mọi mặt của đời sống xã hội ngày càng khẳng định điều đó. Tuy nhiên, tài sản tri thức là tài sản vô hình và cũng mặc định như tài sản hữu hình. Vì vậy, sự hình thành, chuyển dịch và chấm dứt, cũng như bảo hộ các quyền phát sinh từ tài sản vô hình có những điểm khác biệt so với tài sản hữu hình. Do đó, hầu hết các nước trên thế giới đều ban hành những quy định pháp luật riêng biệt để điều chỉnh các quan hệ liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ.
1.2 Quyền sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của cá nhân, pháp nhân đối với các sản phẩm trí tuệ do con người sáng tạo. Đó là độc quyền được công nhận cho một người, một nhóm người hoặc một tổ chức, cho phép họ được sử dụng hay khai thác các khía cạnh thương mại của một sản phẩm sáng tạo.
Đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:
Quyền tác giả và quyền liên quan: đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
Quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm  được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là  cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết giữa các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn (mạch vi điện tử trong IC, chip).
Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ  của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
Quyền đối với giống cây trồng là giống cây trồng và vật liệu nhân giống
1.3 Bảo hộ sở hữu trí tuệ
Từ góc độ vật chất, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nhằm đảm bảo cho người  sáng tạo có thể khai thác giá trị kinh tế từ các sản phẩm sáng tạo của mình để bù đắp lại công lao sáng tạo.
Bảo hộ sở hữu trí tuệ là việc xác lập và bảo vệ quyền của tổ chức hoặc cá nhân đối với tài sản trí tuệ của mình. Cá nhân hay tổ chức có thể tự mình hoặc thông qua cơ quan có thẩm quyền thực hiện thiết lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về đối với Bản quyền tác giả, sáng chế, giải pháp hữu  ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, bí quyết thương mại, tên thương mại...
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo cho người sáng tạo có thể khai thác giá trị kinh tế từ các sản phẩm sáng tạo của mình để bù đắp lại công lao sáng tạo. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ luôn gắn với thời hạn bảo hộ. Ví dụ tác phẩm điện ảnh được bảo hộ 50 năm, thiết kế bố trí mạch tích hợp có thời hạn bảo hộ là 10 năm. Hết thời hạn bảo hộ, các sáng tạo trở thành tài sản chung của nhân loại và tất cả mọi người  có thể khai thác, sử dụng mà không phải xin phép hoặc trả thù lao cho người  sáng tạo.
Quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ dưới dạng sở hữu trí tuệ độc quyền, nhằm khuyến khích năng lực sáng tạo của các chủ thể, là động lực thúc đẩy văn hóa, kinh tế, xã hội, khoa học-công nghệ của một quốc gia phát triển. Nhưng việc bảo hộ Quyền sở hữu trí tuệ là có chọn lọc, phải đảm bảo lợi ích của nhà nước, xã hôi, công dân. Quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ có thời hạn và muốn được bảo hộ phải đáp ứng các yêu cầu luật định.
1.4 Vai trò của bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với đầu tư quốc tế
1.4.1 Vai trò chung
Bảo hộ sở hữu trí tuệ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp:
Tạo thu nhập cho doanh nghiệp
Nâng cao giá trị doanh nghiệp
Giúp các doanh nghiệp có được sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tiết kieemh chi phí, ngăn chặn sao chép, làm nhái,...
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, thương mại của 1 quốc gia.
Bảo hộ quyền SHTT ảnh hưởng đến kênh chuyển giao công nghệ.
Bảo hộ quyền SHTT hiệu quả góp phần vào sự phát triển kinh tế của quốc gia, chống lại nguy cơ tụt hậu.
1.4.2 Vai trò đối với đầu tư quốc tế
Bảo hộ quyền SHTT đem lại:
Sự tăng trưởng kinh tế
Sự cạnh tranh hữu hiệu giữa các DN
Đảm bảo phát triển bền vững
Chống tụt hậu
Nhờ đó sẽ nâng cao vị thế của doanh nghiệp cũng như của quốc gia thu hút đầu tư.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn hình thức đầu tư và kinh doanh của nhà đầu tư.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tác động đến quyết định đầu tư và chuyển giao công nghệ của các nhà đầu tư: Một công ty đa quốc gia có nhiều lựa chọn khác nhau để xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường  nước  ngoài,... Họ có thể đầu tư trực tiếp hoặc thông qua liên doanh với công ty địa phương thông qua góp vốn, công nghệ, nhân lực hay là chuyển giao công nghệ. Việc lựa chọn hình thức đầu tư và kinh doanh của nhà đầu tư phụ thuộc vào thị trường và hệ thống luật pháp của nước sở tại, trong đó hệ thống bảo sở hữu trí tuệ đóng một vai trò quan trọng. Nét đặc trưng của các công ty đa quốc gia là chúng thường sở hữu những khoản tài sản vô hình rất lớn, trong đó công nghệ là một trong những loại tài sản vô hình quan trọng nhất. Xét trên góc độ quyền sở hữu trí tuệ, đó là các nhãn hiệu nổi tiếng, các sáng chế đã tạo nên danh tiếng của công ty và là một phần không thể mất đi của công ty. Các công ty đa quốc gia có xu hướng xây dựng các công ty 100% vốn của mình tại các nước  có hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mạnh, đối với nhà đầu tư, ưu điểm của hình thức này là có thể bảo hộ tốt bí mật công nghệ và nhãn hiệu hàng hóa, còn nhược điểm của nó là tốn kém, không tận dụng được hết các ưu thế mà địa phương đem lại và quốc gia được đầu tư không học hỏi được kỹ năng quản lý cũng như cách thức sản xuất.
Quyền sở hữu trí tuệ còn ảnh hưởng  đến kênh chuyển  giao công nghệ. Công nghệ  ở đây được  phân loại thành loại dễ bắt chước  và loại khó bắt chước.  Loại công nghệ dễ bắt chước thường gồm có công nghệ sao chép băng đĩa nhạc, sản xuất đồ chơi, v.v... Có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng bắt chước công nghệ, chẳng hạn, đối với các công ty nhỏ, việc bắt chước  công nghệ nhằm phục vụ cho sản xuất kinh doanh, còn đối với các công ty có nhiều đối thủ cạnh tranh, việc nghiên cứu công nghệ của đối phương sẽ giúp họ khắc phục những nhược  điểm của công nghệ hiện đang sử dụng và phát minh ra những công nghệ mới. Loại công nghệ khó bắt chước  thường  được  sử dụng trong lĩnh vực dược  phẩm và phần mềm máy tính. Việc bắt chước công nghệ sẽ giúp các chuyên gia trong ngành giảm bớt chi phí trong việc phát hiện và tạo ra những loại thuốc mới và nhanh chóng tung ra thị trường các sản phẩm cạnh tranh tương tự, thậm chí có thể là những sản phẩm ưu việt hơn. Nhìn chung, các sản phẩm máy móc, thiết bị y tế thường khó bắt chước. Tuy nhiên, dù tinh vi và phức tạp đến mức nào, tất cả các sản phẩm đều hàm chứa rủi ro bị lộ bí mật công nghệ, hay bị bắt chước. Chính vì vậy, các nhà đầu tư phải cân nhắc khá nhiều vấn đề khi tiến hành chuyển giao công nghệ. Một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh có thể hạn chế việc sao chép, làm giả sản phẩm và tăng chi phí bắt chước. Bất kỳ quốc gia nào xây dựng được một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh sẽ có điều kiện tiếp nhận các công nghệ tiên tiến phục vụ cho việc phát triển đất nước. Ngược lại, các quốc gia có hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ kém, không phát triển thì quốc gia đó không đủ sức thu hút các nhà đầu tư vào, từ đó dẫn đến việc quốc gia đó khó có thể tiếp nhận các công nghệ tiên tiến phục vụ cho việc phát triển đất nước.

CHƯƠNG 2 CÁC HIỆP ĐỊNH VỀ BẢO HỘ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

2.1 Khái quát quá trình phát triển của quyền SHTT tại Việt Nam qua các thời kì:
2.1.1 Giai đoạn trước năm 1982.
Trước năm 1982, đây là giai đoạn mà quyền SHTT chỉ hình thành một cách sơ khai thể hiện qua các văn bản chỉ đạo của nhà nước và chính phủ về tổ chức và lãnh đạo phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến-phát minh của quần chúng…chủ yếu là phục vụ chiến tranh thống nhất đất nuớc. Đến năm 1973, Phòng Quản lý Sáng chế - Phát minh được thành lập nhằm giúp Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước tổ chức và chỉ đạo phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, khắc phục tình trạng tự phát, tản mạn và xây dựng chiến lược phát triển lâu dài. Đâ chính là cơ quan tiền thân của cục SHTT ngày nay.
Nhằm củng cố và đẩy mạnh hoạt động sáng kiến đã có và nhanh chóng triển khai hoạt động bảo hộ sáng chế ở Việt Nam, Phòng Quản lý Sáng chế - Phát minh tiến hành soạn thảo và được Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đồng ý trình Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 31/CP ngày 23 tháng 1 năm 1981 kèm theo Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và sáng chế. Nghị định số 31/CP đánh dấu một giai đoạn mới trong hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật ở Việt Nam. Điều lệ đã thể chế hoá quyền sáng tạo và các quyền lợi có liên quan của công dân theo tinh thần của Hiến pháp mới  (1980) bằng việc quy định công tác tổ chức, quản lý hoạt động sáng kiến, sáng chế từ khâu tạo ra sáng kiến - sáng chế, đăng ký, xét công nhận, áp dụng, tính toán hiệu quả kinh tế do sáng kiến - sáng chế đem lại. Việc ban hành Nghị định số 31/CP đã mở đầu một giai đoạn mới của hoạt động sở hữu công nghiệp ở Việt Nam.
2.1.2 Giai đoạn từ 1982 đến 2005:
Cục Sáng chế được thành lập theo Nghị định số 125/HĐBT ngày 29 tháng 7 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng trên cơ sở tổ chức của Phòng Quản lý Sáng chế-Phát minh thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Vào thời gian này, hoạt động sở hữu công nghiệp lần đầu tiên được triển khai ở nước ta. Đây là lĩnh vực mới trong công tác quản lý khoa học và kỹ thuật nói chung. Có thể nói lịch sử của quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam nó gắng liền với việc phát triển của cục SHTT.
Ngày 28 tháng 6 năm 1984, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã ký quyết định cấp 9 Bằng tác giả sáng chế đầu tiên ( trong đó ngành nông nghiệp có 4, ngành công nghiệp có 5 Bằng tác giả sáng chế). Đây là những sáng chế đầu tiên của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đã được công bố rộng rãi ở trong và ngoài nước. Các Giấy chứng nhận đăng ký kiểu dáng công nghiệp đầu tiên và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích đầu tiên được cấp vào năm 1989.
Ngày 29 tháng 6 năm 1984, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước đã cấp 12 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá đầu tiên.
Năm 1986 Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ VI khai mạc. Trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội có đề cập đến nội dung "xây dựng và phát triển các hoạt động bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp", chủ trương này của Đảng đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Cục Sáng chế và toàn bộ hoạt động sở hữu công nghiệp sau này.
Ngày 11.2.1989, Pháp lệnh “bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp” đã ra đời, theo đó Việt Nam chính thức bãi bỏ hình thức bảo hộ sáng chế dưới dạng cấp Bằng tác giả sáng chế. Lần đầu tiên, cụm từ "sở hữu công nghiệp" được chính thức sử dụng trong văn bản pháp luật. Sáng chế và các đối tượng sở hữu công nghiệp khác được coi là một loại tài sản và là đối tượng của quyền sở hữu, tạo điều kiện khuyến khích sáng tạo và cân bằng lợi ích vật chất do sáng chế mang lại và lợi ích của xã hội.
Ngày 22.5.1993 Chính phủ ban hành Nghị định số 22-CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong đó Cục Sáng chế được đổi tên thành Cục Sở hữu công nghiệp.
Ngày 28/10/1995, Bộ luật Dân sự đã được Quốc hội khoá IX thông qua, với Phần thứ VI quy định về quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có Chương 2 về quyền sở hữu công nghiệp và chuyển giao công nghệ gồm 26 điều khoản quy định những nguyên tắc cơ bản nhằm xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất và đầy đủ nhất để triển khai toàn diện hoạt động sở hữu công nghiệp và tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của Việt Nam. Ý nghĩa quan trọng nhất của việc đưa vấn đề quyền sở hữu trí tuệ vào Bộ luật Dân sự là ở chỗ lần đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ được Nhà nước thừa nhận như một loại quyền dân sự, khẳng định những nguyên tắc dân sự cơ bản của quyền sở hữu trí tuệ và được cơ quan quyền lực cao nhất đó là Quốc hội quy định.
Nhãn hiệu đầu tiên của Việt Nam đăng ký bảo hộ ở nước ngoài thông qua Thỏa ước Madrid là nhãn hiệu SEAPRODEX.
Năm 1993, theo đề nghị của Cục Sở hữu công nghiệp, Chính phủ đã phê chuẩn Hiệp ước Hợp tác Patent (PCT) và Việt Nam chính thức tham gia Hiệp ước này từ ngày 10.3.1993. Trước đó, Việt Nam tuyên bố thừa nhận Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp và Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá và kế thừa vị trí thành viên của hai Điều ước này mà Việt Nam đã có từ năm 1949.  Năm 1981, Việt Nam tuyên bố thừa nhận Công ước Stockholm về việc thành lậpTổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) và kế thừa vị trí thành viên của Tổ chức này.
Năm 2000, Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ đã được ký kết, trong đó có một Chương về quyền sở hữu trí tuê.
Theo Nghị định số 54/2003/NĐ-CP và Nghị định số 28/2004/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 54/2003/NĐ-CP của Chính phủ, Cục Sở hữu công nghiệp được đổi tên thành Cục Sở hữu trí tuệ có chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy mở rộng hơn trước. Cục Sở hữu trí tuệ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng nhằm cải tiến các thủ tục hành chính trong các khâu tiếp nhận đơn, xử lý đơn và trả lời người nộp đơn theo hướng đơn giản hoá thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, từng bước hiện đại hoá phù hợp với tiêu chuẩn chung của thế giới, xoá bỏ phân biệt đối xử trong việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Lần đầu tiên ở Việt Nam, công việc tiếp nhận đơn có thể được tiến hành tại ba địa điểm của Cục ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh và đều được ghi nhận và cấp số đơn đồng thời, thống nhất trong phạm vi toàn quốc thông qua mạng trực tuyến
2.1.3 Giai Đoạn từ 2005 đến nay:
Ngày 29 tháng 11 năm 2005, Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ (số 50/2005/QH11) bao gồm 6 phần, 18 Chương, 222 Điều. Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2006. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu một giai đoạn mới của quá trình phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ củaViệt Nam. Cùng với Bộ luật Dân sự 2005, hai văn bản này đã tạo thành một hệ thống các quy định hoàn chỉnh và thống nhất về quyền sở hữu trí tuệ thay thếcho các quy định trước đây. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn đối với quá trình gia nhập WTO cũng như quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy hơn nữa các hoạt động sáng tạo, phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Đặc biệt vào năm 2006, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, từ ngày 12/01/2007 Việt Nam chính thức thực hiện các cam kết trong hiệp định TRIPS.
Tháng 6/2009 Quốc hội đã thông  qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của  Luật  Sở  hữu  trí  tuệ,  đưa  các  tiêu  chuẩn  bảo  hộ  sở  hữu  trí  tuệ  của  Việt  Nam hoàn  toàn  đáp  ứng  các  tiêu  chuẩn  quốc tế  của  TRIPS/WTO
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp định TPP việc thực hiện và thoả thuận về SHTT đang là vướng mắc trong đám phán hiện nạy. Quyền SHTT trong TPP đề cập đến tất cả các nội dung như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quyền tác giả, bằng sáng chế, bí mật kinh doanh, đến việc thực thi quyền SHTT, nguồn gen và tri thức truyền thống…Có thể nói, SHTT trong TPP có phạm vi rất rộng với yêu cầu cao hơn hẳn và tạo ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập. Nội dung bảo hộ được mở rộng thêm cho nhiều loại đối tượng như bảo hộ nhãn hiệu cho cả âm thanh, mùi thơm, bảo hộ độc quyền cho bất kì một hình thức nào mới, cách thức hoặc phương pháp sử dụng mới đối với sản phẩm đã được biết tới dù sáng tạo đó không dẫn tới việc tăng hiệu quả đã được biết tới của sản phẩm cũ.   Như vậy, tại Việt Nam hiện nay đã có luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tham gia nhiều Công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, bao gồm:
Công ước Stockholm năm 1967 thành lập tổ chức SHTT thế giới (WIPO);
Công ước Paris năm 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp;
Công ước Berne năm 1886 về bảo hộ tác phẩm văn học và nghệ thuật;
Hệ thống Madrid gồm Thỏa ước Madrid năm 1891 về đăng ký quốc tế về nhãn hiệu và Nghị định thư liên quan đến thỏa ước năm 1989;
Hiệp ước hợp tác quốc tế về bằng sáng chế (PCT) năm 1970;
Công ước Rome năm 1961 về bảo hộ người biểu diễn, nhà xuất bản, ghi âm và tổ chức phát sóng;
Công ước Brussel năm 1974 về bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa;
Công ước Geneve năm 1971 về bảo hộ nhà xuất bản, ghi âm chống việc sao chép không được phép;
Công ước UPOV năm 1961 về bảo hộ giống cây trồng mới;
Hiệp định Việt Nam - Hoa Kỳ năm 1997 về thiết lập quan hệ quyền tác giả;
Hiệp định Việt Nam - Thụy Sĩ năm 1999 về sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) năm 1994 trong khuôn khổ các văn kiện của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

2.2 Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định thương mại Việt-Mỹ (BTA)
2.2.1 Hiệp định thương mại Việt- Mỹ (BTA)
Hiệp Định thương mại Việt Mỹ được ký kết ngày 13/7/2000 là một sự kiện đánh dấu bước phát triển tích cực của mối quan hệ song phương kể từ ngày hai quốc gia lập quan hệ ngoại giao. Hiệp định dài gần 120 trang, gồm 7 chương với 72 điều và 9 phụ lục, đề cập đến 4 nội dung chủ yếu:Thương mại hàng hoá, Thương mại dịch vụ, Sở hữu trí tuệ và Quan hệ đầu tư. Như vậy có nghĩa là bản Hiệp định này tuy được gọi là Hiệp định về quan hệ thương mại nhưng không chỉ đề cập đến lĩnh vực thương mại hàng hoá. Khái niệm “ thương mại ” ở đây được đề cập theo ý nghĩa rộng, hiện đại, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và có tính đến đặc điểm kinh tế của mỗi nước để quy định sự khác nhau về khung thời gian thực thi các điều khoản. Do Mỹ đã tuân thủ tất cả các luật lệ của WTO và là một trong những nước tự do hoá thương mại nhất trên thế giới nên hầu như tất cả các điều khoản trong Hiệp định, Mỹ đều thực hiện ngay. Còn Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp và đang chuyển đổi từ kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường, nên kèm theo bản Hiệp định là 9 bản phụ lục có quy định các lộ trình thực hiện cho phù hợp với Việt Nam .
Hiệp định được xây dựng trên hai khái niệm quan trọng. Khái niệm “Tối huệ quốc” (đồng nghĩa với Quan hệ Thương mại bình thường) mang ý nghĩa hai bên cam kết đối xử với hàng hoá, dịch vụ, đầu tư của nước kia không kém phần thuận lợi so với cách đối xử với hàng hoá, dịch vụ, đầu tư của nước thứ ba (đương nhiên không kể đến các nước nằm trong Liên minh thuế quan hoặc Khu vực mậu dịch tự do mà hai bên tham gia, ví dụ Mỹ sẽ không được hưởng những ưu đãi của ta dành cho các nước tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và ta cũng không được hưởng tất cả các ưu đãi Mỹ dành cho các nước khác trong Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Còn khái niệm “Đối xử quốc gia” thì nâng mức này lên như đối xử với các công ty trong nước. Hai khái niệm này quan trọng vì chúng được đề cập đến ở hầu hết các chương của bản Hiệp định.
2.2.2 Nội dung bảo hộ sở hữu trí tuệ của BTA
Trên lĩnh vực bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ, trong giai đoạn này tuy Việt Nam chưa tham gia nhiều Điều ước Quốc tế đa phương về bảo hộ quyền tác giả nhưng Việt Nam đã tham gia nhiều Điều ước Quốc tế đa phương về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như Công ước Paris 1883, Thoả ước Madrid 1881, Công ước Stockholm 1967...Việt Nam cũng đã ký kết các thoả thuận hợp tác song phương về Sở hữu trí tuệ với úc, Thái Lan, Pháp và tham gia Hiệp định khung về hợp tác Sở hữu trí tuệ của các nước thành viên khối ASEAN. Việt Nam cũng gia nhập Công ước Berne năm 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật cũng như chuẩn bị các điều kiện để gia nhập WTO nhằm mở rộng toàn diện nguyên tắc “làm việc theo pháp luật” trong lĩnh vực bảo hộ Sở hữu trí tuệ trên quy mô quốc tế. Hiệp định Quyền tác giả được ký giữa Việt Nam và Mỹ ngày 27/6/1997 giúp Việt Nam tăng cường thêm một bước công tác quản lý các hoạt động văn hoá thông tin nhằm ngăn chặn việc phổ biến các tác phẩm có nội dung không lành mạnh tại Việt Nam, hạn chế tệ sử dụng tác phẩm của Mỹ mà không chịu trả tiền để kinh doanh kiếm lời của một số tổ chức và cá nhân trong nước. Ngoài ra, thông qua việc thực hiện Hiệp định, các tác phẩm của Mỹ sẽ được lựa chọn kỹ hơn và phổ biến ở Việt Nam với nội dung và hình thức tốt hơn.
Quyền Sở hữu trí tuệ được đề cập trong chương 2 của Hiệp định với 11 điều.. Việt Nam nhất trí tuân thủ hoàn toàn các quyền Sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại (TRIPs) trong tất cả các lĩnh vực trong một khuôn khổ thời gian ngắn bao gồm: Việc bảo hộ bản quyền và nhãn hiệu hàng hoá trên cơ sở TRIPs được thực thi trong 12 tháng; bảo hộ các bí mật thương mại và bản quyền trên cơ sở TRIPs được thực thi trong 18 tháng. Việt Nam đồng ý thực hiện những biện pháp bảo hộ mạnh mẽ hơn trong một số lĩnh vực khác như tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hoá, bảo hộ bản quyền đối với các động vật và thực vật, bảo hộ những dữ liệu kiểm tra bí mật được trình cho các Chính phủ. Đối với trường hợp bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình mã hoá, sẽ được thực hiện theo giai đoạn là 30 tháng.
2.3 Sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TRIPs của WTO
2.3.1 Hiệp định TRIPs của WTO
Hiệp định TRIPS có hiệu lực vào năm 1995 trong khuôn khổ Hiệp định Thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới. TRIPS đã tổng hợp và xây dựng trên cơ sở các hiệp định quan trọng và mới nhất về sở hữu trí tuệ do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) thực thi với Công ước Paris về Bảo hộ Tài sản Công nghiệp và Công ước Berne về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật – những hiệp định có từ những năm 1880.
Hiệp định TRIPS có vị thế độc nhất trong số các điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ (IPR) bởi lẽ việc trở thành thành viên của WTO đồng nghĩa với việc tham gia “trọn gói” các hiệp ước. Nói cách khác, các quốc gia thành viên của WTO không được phép lựa chọn các hiệp ước mà phải tuân thủ tất cả các hiệp ước đa phương của WTO, bao gồm cả TRIPS.
Hiệp định TRIPS áp dụng các nguyên tắc cơ bản trong thương mại quốc tế đối với các quốc gia thành viên về sở hữu trí tuệ, trong đó có quy chế đối xử quốc gia và quy chế tối huệ quốc. TRIPS cũng đề ra các chuẩn mực tối thiểu về mức độ, phạm vi và việc sử dụng bảy hình thức sở hữu trí tuệ - quyền tác giả, nhãn hiệu, xuất xứ địa lý, thiết kế công nghiệp, bằng phát minh sáng chế, thiết kế bố trí mạch điện tử tích hợp và thông tin mật (bí mật thương mại). TRIPS cũng nêu cụ thể những hạn chế và ngoại lệ có thể chấp nhận nhằm hài hòa lợi ích sở hữu trí tuệ với lợi ích trong những lĩnh vực khác, chẳng hạn như sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế.
Một thành công quan trọng trong quan hệ thương mại quốc tế đó là việc kết thúc tốt đẹp quá trình đàm phán đầy khó khăn và nhiều tranh cãi về Hiệp định về các Khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) vào năm 1994. Lúc này, Hiệp định TRIPS đã trở thành một phần nghĩa vụ quan trọng trong các nghĩa vụ pháp lý của WTO, là một Hiệp định có phạm vi điều chỉnh rộng nhất trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ mà chưa một điều ước quốc tế nào trong lĩnh vực này có được cho đến nay . Bên cạnh việc gắn liền các quan hệ thương mại quốc tế với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, việc Hiệp định TRIPS trở thành một bộ phận của WTO đã lần đầu tiên đem đến khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt hữu hiệu đối với những vi phạm về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, điều mà chưa một điều ước quốc tế nào trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ có được. Trong Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), tổ chức tiền thân của WTO không có quy định nào về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan đến thương mại hàng hoá. Tuy nhiên, trong GATT đã có những quy định đề cập đến quyền sở hữu trí tuệ nhưng ở mức độ rất hạn chế và chỉ liên quan đến các quan hệ thương mại hàng hoá. Điều XX của GATT quy định về các ngoại lệ chung, trong đó, tại khoản (d), cho phép các quốc gia Thành viên WTO có quyền thông qua hoặc thực hiện các biện pháp “cần thiết để bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và các quy tắc không trái với các quy định của Hiệp định này, kể cả những quy định liên quan tới .... việc bảo hộ bản quyền, nhãn hiệu thương mại và quyền tác giả và các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa các hành vi thương mại gian lận;”. Như vậy, GATT đã thừa nhận việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một ngoại lệ hợp pháp theo quy định của mình nhưng chưa có quy định cụ thể về nội dung này. Mặc dù GATT không có bất kỳ một yêu cầu nào về mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhưng với quy định về nguyên tắc Đối xử quốc gia (NT) tại Điều III GATT, chúng ta thấy việc áp dụng cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều XX phải được thực hiện trên cơ sở không phân biệt đối xử. Trong GATT đã có một vụ tranh chấp duy nhất liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Vụ việc này liên quan đến quy định tại Phần 337 Luật Thuế quan của Hoa Kỳ. Quy định của Phần 337 Luật Thuế quan Hoa Kỳ đã có quy định về thủ tục đối với hàng nhập khẩu vi phạm văn bằng sáng chế (patent) chặt chẽ hơn đối với những hàng cũng vi phạm tương tự như vậy những được sản xuất trong nước . Quá trình đàm phán, soạn thảo Hiệp định TRIPS được bắt đầu chính thức từ năm 1987 cho đến năm 1994. Có thể nói quá trình đàm phán Hiệp định TRIPS là một quá trình đấu tranh rất căng thẳng và quyết liệt giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển trong khuôn khổ GATT. Cho đến nay, lĩnh vực này vẫn tiếp tục là một chủ đề nóng và phức tạp của các cuộc đàm phán đa phương trong khuôn khổ WTO.
Trong hệ thống các Hiệp định của WTO, Hiệp định TRIPS nằm trong Phụ lục C. Hiệp định bao gồm 73 điều được chia thành 7 phần: Phần I Các điều khoản chung và các nguyên tắc cơ bản; Phần II Các tiêu chuẩn về việc xác lập, phạm vi và việc sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ; Phần III Thực thi quyền sở hữu trí tuệ; Phần IV Thủ tục để hưởng và duy trì các quyền sở hữu trí tuệ và thủ tục khác theo yêu cầu của các bên liên quan; Phần V Ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp; Phần VI Các quy định chuyển tiếp; Phần VII Các thoả thuận về thể chế, điều khoản cuối cùng.
Tầm quan trọng của Hiệp định TRIPS được thể hiện ở ba điểm:
1. Đây là hiệp định duy nhất đầu tiên thực sự mang tính quốc tế đã đưa ra các chuẩn mực tối thiểu về bảo hộ nhiều hình thức của sở hữu trí tuệ;
2. Đây là hiệp định quốc tế đầu tiên về sở hữu trí tuệ có những quy định cụ thể về trách nhiệm dân sự, hình sự và bảo vệ biên giới; và
3. Đây là hiệp định quốc tế đầu tiên về sở hữu trí tuệ được áp dụng để giải quyết tranh chấp. Trên thực tế, TRIPS đặt nền tảng cho một hạ tầng cơ sở vững chắc và hiện đại trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ cho cộng đồng quốc tế.
2.3.2 Nội dung về bảo hộ sở hữu trí tuệ của Hiệp định TRIPs
Theo Hiệp định TRIPS, "sở hữu trí tuệ" có nghĩa là tất cả các đối tượng sở hữu trí tuệ nêu tại các mục từ mục 1 đến mục 7 của Phần II của TRIPS . Như vậy, các đối tượng cụ thể của quyền sở hữu trí tuệ được quy định trong Hiệp định TRIPS (hay phạm vi của quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPS) là quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế (patent), thiết kế bố trí mạch tích hợp và thông tin bí mật.
Các yêu cầu của Hiệp định TRIPS về quyền sở hữu trí tuệ “Các Thành viên phải thi hành các điều khoản của Hiệp định này. Các Thành viên có thể, nhưng không bị bắt buộc, áp dụng trong luật của mình việc bảo hộ mạnh hơn so với các yêu cầu của Hiệp định này, miễn là việc bảo hộ đó không trái với các điều khoản của Hiệp định này. Các Thành viên sẽ tự do quyết định phương pháp thích hợp nhằm thi hành các điều khoản của Hiệp định này trong hệ thống pháp luật và thực tiễn của mình” . Điều này có nghĩa Hiệp định TRIPS chỉ đưa ra các chuẩn mực (yêu cầu) tối thiểu trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và các quốc gia Thành viên có toàn quyền xây dựng một cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong pháp luật quốc gia của mình cao hơn các yêu cầu của Hiệp định TRIPS, với điều kiện sự bảo hộ đó không được trái với với Hiệp định TRIPS.
 Để xây dựng được mức bảo hộ tối thiểu làm cơ sở cho việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mỗi quốc gia Thành viên như đã nói ở trên, TRIPS đã quy định hàng loạt nghĩa vụ mà mỗi quốc gia cần tuân thủ. Những nghĩa vụ này được bắt đầu tư những nghĩa vụ chung là: Các Thành viên WTO phải bảo hộ cho công dân của mỗi Bên theo các quy định của TRIPS và các Hiệp định khác về sở hữu trí tuệ là: Công ước Paris (1967), Công ước Berne (1971), Công ước Rome và Hiệp ước về Sở hữu Trí tuệ đối với Mạch Tích hợp tương tự như các Thành viên của các điều ước đó. Đồng thời các quy định của TRIPS không ảnh hưởng đến nghĩa vụ hiện có của các Thành viên WTO theo các Công ước Paris, Berne, Rome và Hiệp ước về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực mạch tích hợp. TRIPS còn yêu cầu các nước Thành viên WTO tuân thủ các Điều từ 1-12 và Điều 19 của Công ước Paris liên quan đến các phần II, III, IV của TRIPS. Các quy định của các Điều 3, 4 TRIPS sẽ không áp dụng cho các thủ tục được quy định tại các Thoả ước đa phương được ký kết trong khuôn khổ WIPO.
 Nguyên tắc không phân biệt đối xử cũng được thể hiện trong Hiệp định này, được thể hiện qua các quy định của Điều 3 về Đối xử quốc gia (NT) và Điều 4 về Chế độ đãi ngộ tối huệ quốc (MFN). Theo yêu cầu của Chế độ đối xử quốc gia, mỗi Bên (Thành viên WTO) dành cho công dân của Bên kia (Thành viên khác) sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó (Thành viên đó) dành cho công dân của mình trong việc xác lập, bảo hộ, hưởng và thực thi tất cả các quyền sở hữu trí tuệ và mọi lợi ích có được từ các quyền đó. Nguyên tắc đối xử quốc gia phải được áp dụng một cách vô điều kiện. Theo TRIPS, nguyên tắc đối xử tối huệ quốc yêu cầu bất kỳ một sự ưu tiên, chiếu cố, đặc quyền hoặc miễn trừ nào trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được một Thành viên dành cho công dân của bất kỳ nước nào khác cũng phải được dành ngay lập tức và vô điều kiện cho công dân của tất cả các Thành viên khác.
Hiệp định TRIPS bao gồm những nội dung chính sau đây: (i) tiêu chuẩn liên quan đến khả năng đạt được, phạm vi và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ  đối với bảy đối tượng sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế (bao gồm giống cây trồng), thiết kế bố trí mạch tích hợp và thông tin bí mật; (ii) quy định về kiểm soát thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ; (iii) quy định chi tiết về thực thi quyền sở hữu trí tuệ; (iv) quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ theo Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.
2.3.2.1 Về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan (quyền kề cận) trong TRIPS tập trung vào những nội dung chính sau:
- Phạm vi các đối tượng quyền tác giả được bảo hộ:
Phạm vi các đối tượng quyền tác giả được bảo hộ trong TRIPS được dẫn chiếu thẳng đến Công ước Berne. Theo đó, những đối tượng của quyền tác giả cần được bảo hộ là: Tác phẩm văn học và nghệ thuật; Văn bản chính thức; Sưu tập; Tác phẩm mĩ thuật ứng dụng và kiểu dáng công nghiệp; Tin tức. Tác phẩm văn học và nghệ thuật là một đối tượng có nội hàm rất rộng nên đã được giải thích cụ thể hơn trong Công ước Berne. Theo đó, tác phẩm văn học và nghệ thuật bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào, chẳng hạn như sách, tập in nhỏ và các bản viết khác, các bài giảng, bài phát biểu, bài thuyết giáo và các tác phẩm cùng loại; các tác phẩm kịch, hay nhạc kịch, các tác phẩm hoạt cảnh và kịch câm, các bản nhạc có lời hay không lời, các tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm được diễn tả bằng một kỹ thuật tương tự với điện ảnh, các tác phẩm đồ họa, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ, in thạch bản; các tác phẩm nhiếp ảnh và các tác phẩm được diễn tả bằng một kỹ thuật tương tự như nhiếp ảnh; các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, minh họa, địa đồ, đồ án, bản phác họa và các tác phẩm tạo hình liên quan đến địa lý, địa hình, kiến trúc hay khoa học. Bên cạnh việc sử dụng các quy định của Công ước Berne, TRIPS đã mở rộng hơn các đối tượng của quyền tác cần phải được bảo hộ đối với cả: Các chương trình máy tính; Các sưu tập dữ liệu, tư liệu thể hiện dưới dạng có thể đọc được bằng máy hoặc dưới dạng khác, nếu việc lựa chọn và sắp xếp nội dung có sự sáng tạo. Việc mở rộng này của TRIPS nhằm cập nhật thêm các đối tượng mới phát sinh trong quá trình phát triển của khoa học và kỹ thuật. Gắn liền với quyền tác giả là Quyền kề cận, quyền này bao gồm các quyền liên quan đến việc biểu diễn, ghi âm và phát thanh. Mục đích của quyền này nhằm bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức là những người có vai trò đưa tác phẩm tới công chúng. Mặc dù họ không phải là những người sáng tạo ra tác phẩm nhưng việc làm của họ cũng thể hiện sự sáng tạo hay kỹ năng về mặt kỹ thuật và tổ chức một cách đầy đủ đảm bảo được bảo hộ bằng luật bản quyền. Cũng chính vì vậy mà quyền kề cận có mối liên hệ mật thiết với quyền tác giả, trong nhiều tài liệu người ta còn gọi là quyền kề cận trong quyền tác giả. Theo quan niệm truyền thống, có 3 loại người được thụ hưởng việc bảo hộ đối với quyền kề cận là: người trình diễn, nhà sản xuất chương trình thu thanh và các tổ chức phát thanh.
- Thời hạn bảo hộ :
Thời hạn bảo hộ đối với quyền tác giả trong TRIPS cũng được dẫn chiếu đến Công ước Berne. Như vậy, trong trường hợp tính thời hạn bảo hộ theo đời người thì Công ước Berne quy định thời hạn bảo hộ sẽ được tính trong suốt thời gian cuộc đời của tác giả và 50 năm sau khi tác giả chết. Trừ tác phẩm nhiếp ảnh và tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, nếu thời hạn bảo hộ tác phẩm không được tính theo đời người, thời hạn bảo hộ đó không được dưới 50 năm kể từ khi kết thúc năm dương lịch mà tác phẩm được công bố một cách hợp pháp, hoặc 50 năm tính từ khi kết thúc năm dương lịch mà tác phẩm được sáng tạo nếu tác phẩm này không được công bố một cách hợp pháp trong vòng 50 năm kể từ ngày tạo ra tác phẩm. Các đối tượng khác của quyền tác giả có thời hạn bảo hộ cụ thể như sau: Đốí với các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và tác phẩm nhiếp ảnh thì thời hạn bảo hộ tối thiểu là 25 năm kể từ khi tác phẩm được sáng tạo ra. Đối với tác phẩm điện ảnh thì thời hạn bảo hộ là 50 năm tình từ khi tác phẩm được công bố hoặc từ khi tác phẩm được sáng tạo nếu tác phẩm chưa được công bố. Đối với người biểu diễn và người sản xuất bản ghi âm phải kéo dài ít nhất là đến hết thời hạn 50 năm tính từ khi kết thúc năm dương lịch mà việc ghi âm hoặc buổi biểu diễn được tiến hành. Thời hạn bảo hộ đối với các chương trình phát thanh, truyền hình của các tổ chức phát thành truyền hình phải kéo dài ít nhất là 20 năm tính từ khi kết thúc năm dương lịch mà chương trình phát thanh truyền hình được thực hiện.
2.3.2.2 Về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
 Các Điều từ 15 đến 40 của TRIPS quy định về việc bảo hộ các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp như sau:
- Nhãn hiệu hàng hoá:
Trong TRIPS nhãn hiệu hàng hoá được giải thích là dấu hiệu hoặc tổng thể các dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa hoặc dịch vụ của một doanh nghiệp với hàng hóa hoặc dịch vụ của các doanh nghiệp khác. Theo TRIPS, quốc gia thành viên phải có quy định về việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá về các nội dung: Chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hoá có quyền ngăn cản người khác, trong hoạt động kinh doanh, không được sử dụng các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với hàng hoá, dịch vụ mà mình đã đăng ký, nếu việc sử dụng đó có nguy cơ gây nhầm lẫn và không được phép của chủ sở hữu.
Việc đăng ký ban đầu của một nhãn hiệu hàng hoá có thời hạn ít nhất là 7 năm và được gia hạn không hạn chế số lần. Pháp luật quốc gia có thể quy định các điều kiện cấp li-xăng và chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hoá và có thể yêu cầu việc chuyển nhượng nhãn hiệu hàng hoá phải bao gồm cả việc chuyển giao uy tín của nhãn hiệu hàng hoá đó, nhưng không được cho phép cấp li-xăng không tự nguyện đối với nhãn hiệu hàng hoá.
- Chỉ dẫn địa lý :
Trong TRIPS chỉ dẫn địa lý, bao gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hoá, là những chỉ dẫn xác định về hàng hóa có nguồn gốc từ lãnh thổ của một Thành viên, hoặc từ khu vực hoặc địa phương thuộc lãnh thổ đó, nếu chất lượng, uy tín hoặc đặc tính khác của hàng hóa này chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định. Theo TRIPS các nước Thành viên phải bảo đảm ngăn ngừa: Việc sử dụng chỉ dẫn địa lý với cách thức lừa dối công chúng về xuất xứ địa lý của hàng hóa; Bất kỳ hành vi sử dụng nào cấu thành một hành vi cạnh tranh không lành mạnh Trong phần này TRIPS còn bổ sung thêm quy định về việc bảo hộ bổ sung đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho rượu vang và rượu mạnh
- Kiểu dáng công nghiệp :
Kiểu dáng công nghiệp được hiểu là các tính chất trang trí hay mỹ học của một vật. Kiểu dáng này có thể được thể hiện dưới dạng không gian 3 chiều, chẳng hạn như hình dáng hay bề ngoài của đồ vật hoặc không gian 2 chiều như hoa văn, đường kẻ, màu sắc. TRIPS yêu cầu các Thành viên phải cho phép: Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có quyền ngăn cấm người khác không được thực hiện các hành vi: chế tạo, bán, nhập khẩu hoặc phân phối các sản phẩm mang hoặc thể hiện kiểu dáng là bản sao hoặc cơ bản là bản sao của kiểu dáng được bảo hộ, nếu các hành vi đó nhằm mục đích thương mại và không được sự đồng ý của chủ sở hữu. Thời hạn bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp ít nhất là 10 năm.
- Sáng chế:
Khoản 1 Điều 27 TRIPS yêu cầu văn bằng sáng chế phải được cấp cho bất kỳ một sáng chế nào, dù là sản phẩm hoặc quy trình, thuộc mọi lĩnh vực công nghệ, với điều kiện sáng chế đó phải mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Theo đó, Chủ văn bằng sáng chế có quyền: Ngăn cấm người khác chế tạo, sử dụng, bán, chào bán, hoặc nhập khẩu sản phẩm hoặc quy trình đó, nếu không được sự đồng ý của chủ bằng. Sang nhượng, thừa kế văn bằng và ký kết hợp đồng li-xăng. Thời hạn bảo hộ đối với Bằng độc quyền sáng chế không dưới 20 năm, kể từ ngày nộp đơn và có thể kéo dài trong trường hợp cần thiết, nhằm bù lại sự chậm trễ do thủ tục cấp Bằng gây ra.
- Thiết kế bố trí (Topography) mạch tích hợp:
Theo Hiệp định về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực mạch tích hợp (Hiệp định IPIC) được đề cập đến trong Điều 35 của TRIPS thì thiết kế bố trí mạch tích hợp là một sản phẩm, dưới dạng thành phẩm hoặc bán thành phẩm, trong đó các phần tử - với ít nhất một phần tử tích cực - và một số hoặc tất cả các mối nối được gắn liền trong và/hoặc trên một miếng vật liệu và nhằm thực hiện một chức năng điện tử. TRIPS quy định các hành vi bị coi là bất hợp pháp khi không được phép của chủ sở hữu thiết kế bố trí mạch tích hợp là: làm bản sao, nhập khẩu, phân phối thiết kế bố trí mạch tích hợp, mạch tích hợp có thiết kế bố trí đã được bảo hộ hoặc vật phẩm có chứa mạch tích hợp nói trên, nếu vật phẩm đó có chứa thiết kế bố trí mạch tích hợp bị sao chép bất hợp pháp. Thời hạn bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp trong TRIPS là 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký hoặc kể từ ngày thiết kế bố trí mạch tích hợp được khai thác thương mại lần đầu tiên ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Tuy nhiên, việc bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp sẽ chấm dứt sau 15 năm, kể từ ngày thiết kế bố trí mạch tích hợp được tạo ra.
- Thông tin bí mật (Bí mật thương mại)
Theo cách hiểu của TRIPS, đồng thời cũng là nghĩa vụ mà TRIPS yêu cầu mỗi Thành viên phải thực hiện, thông tin bí mật phải đáp ứng: Không phải là hiểu biết thông thường hoặc không dễ dàng có được hoặc những người thường xuyên xử lý loại thông tin đó nói chung không biết đến hoặc không thể dễ dàng tiếp cận thông tin đó dưới dạng thông tin toàn bộ, tức là dưới dạng ghép nối theo trật tự chính xác mọi chi tiết của thông tin đó; Có giá trị thương mại vì có tính bí mật; và Người có quyền kiểm soát hợp pháp thông tin đó đã thực hiện các biện pháp phù hợp với hoàn cảnh để giữ bí mật thông tin đó.
- Thực thi Quyền sở hữu trí tuệ:
 Bên cạnh các quy định về nội dung, TRIPS cũng có quy định về các biện pháp nhằm đảm bảo cho việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại lãnh thổ của mỗi quốc gia Thành viên. Mục đích của việc đưa ra các quy định này trong TRIPS là nhằm chống lại một cách hiệu quả việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Những biện pháp bảo đảm này bao gồm: các biện pháp khẩn cấp thời; các chế tài dân sự, hình sự và hành chính nhằm để ngăn ngừa xâm phạm; các biện pháp tại biên giới. Việc áp dụng các biện pháp này cần phải thực hiện với các điều kiện chung như: Việc áp dụng các thủ tục thực thi quyền không được cản trở hoạt động thương mại và phải có biện pháp để chống sự lạm quyền. Các thủ tục thực thi phải đúng đắn, công bằng, không quá phức tạp, tốn kém và không có những giới hạn bất hợp lý về thời gian hoặc có sự chậm trễ không chính đáng. Các quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục tố tụng dân sự, hành chính phải bảo đảm các điều kiện như: Bằng văn bản, nêu rõ lý do ra quyết định; sẵn sàng được cung cấp, ít nhất là cho các bên trong vụ kiện; Chỉ dựa trên chứng cứ mà các bên đã có cơ hội trình bày. Bảo đảm cho các bên trong vụ kiện có cơ hội đề nghị cơ quan tư pháp xem xét lại các quyết định hành chính cuối cùng và xem xét lại các quyết định xét xử ở cấp sơ thẩm.
Như vậy, với việc TRIPS là một Hiệp định có phạm vi điều chỉnh rộng trong số các điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ đã cho thấy rõ tính phức tạp của lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong WTO. Đồng thời, các quy định trong TRIPS đã có sự kế thừa các điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ bằng cách dẫn chiếu trực tiếp hoặc trích dẫn các quy định của những điều ước quốc tế này. Một điểm khác biệt chính giữa TRIPS và các điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ là các quy định về sở hữu trí tuệ trong TRIPS chỉ điều chỉnh những quan hệ có tính chất thương mại trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ.
2.4 Bảo hộ sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TRIPs+  của TPP
2.4.1 Hiệp định TPP
Đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một đàm phán thương mại tự do nhiều bên, với mục tiêu thiết lập một khu vực thương mại tự do chung cho các nước đối tác trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hiệp định TPP (tên tiếng Anh là Trans-Pacific Strategic EconomicPartnership Agreement) là Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương. Do lúc đầu chỉ có 4 nước tham gia nên còn được gọi là P4.Hiệp định này khởi nguồn là Hiệp định Đối tác kinh tế chặt chẽ hơn do nguyên thủ 3 nước Chi-lê, Niu Di-lân và Xinh-ga-po (P3) phát động đàm phán nhân dịp Hội nghị Cấp cao APEC 2002 tổ chức tại Mê-hi-cô. Tháng 4 năm 2005, Bru-nei xin gia nhập với tư cách thành viên sáng lập trước khi vòng đàm phán cuối cùng kết thúc, biến P3 thành P4.

Tháng 9 năm 2008, Hoa Kỳ tuyên bố tham gia TPP. Tiếp theo đó, tháng 11 năm 2008, Úc và Pê-ru cũng tuyên bố tham gia TPP. Tại buổi họp báo công bố việc tham gia của Úc và Pê-ru, đại diện các bên khẳng định sẽ đàm phán để thiết lập một khuôn khổ mới cho TPP. Kể từ đó, các vòng đàm phán TPP được lên lịch và diễn ra cho đến nay. Cho đến nay, đã có 12 nước tham gia vào đàm phán TPP (bao gồm New Zealand, Brunei, Chile, Singapore, Australia, Peru, Hoa Kỳ, Malaysia, Việt Nam, Canada, Mexico và Nhật Bản).
Từ năm 2006, qua nhiều kênh, Singapore đã rất tích cực mời Việt Nam tham gia TPP - P4. Trước những cân nhắc cả về khía cạnh kinh tế và chính trị, Việt Nam chưa nhận lời mời này của Singapore. Tuy nhiên, với việc Mỹ quyết định tham gia TPP, và trước khi tuyên bố tham gia TPP, Mỹ đã mời Việt Nam cùng tham gia Hiệp định này, Việt Nam đã cân nhắc lại việc tham gia hay không tham gia TPP.
Đầu năm 2009, Việt Nam quyết định tham gia Hiệp định TPP với tư cách thành viên liên kết. Tháng 11 năm 2010, sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP với tư cách này, Việt Nam đã chính thức tham gia đàm phán TPP. Trước đó, tháng 10 năm 2010, Malaysia cũng chính thức tham gia vào TPP, nâng tổng số nước tham gia đàm phán lên thành 9 nước.
Từ năm 2005 đến nay, Hiệp định đã trải qua 19 vòng đàm phán chính thức và nhiều phiên đàm phán nhóm, hiệp định dự kiến được thông qua vào cuối năm 2014 hoặc sang năm 2015. Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ hạn chế thương mại (thuế quan và các biện pháp sau biên giới) đối với hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Xây dựng quy chuẩn chung với các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, lao động, đầu tư, chính sách cạnh tranh; xây dựng các quy tắc điều tiết của chính phủ một cách hợp lý nhằm khuyến khích thương mại và đầu tư giữa các nước. Nếu đàm phán thành công, TPP sẽ là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới với dân số gần 1 tỷ người và tổng sản phẩm chung đạt 29.000 tỷ USD. Mục tiêu ban đầu của Hiệp định là 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên sẽ được cắt giảm bằng 0% vào năm 2015. Về phạm vi, so với BTA, AFTA và trong WTO, TPP mở rộng hơn cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Hiệp định TPP là một liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực với nội dung hợp tác sâu rộng và tiêu chí cao. Một khi đi vào hoạt động, TPP sẽ quy tụ 12 quốc gia, đóng góp 40% GDP và 1/3 thương mại toàn cầu. Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ tạo đà cho sự tăng trưởng GDP Việt Nam trong những năm tới, hỗ trợ tăng trưởng dài hạn đồng thời đề ra các chuẩn mực cho thương mại và đầu tư trong tương lai. Hiệp định TPP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời thuận lợi trong việc tiếp cận với hai thị trường lớn hiện nay là Hoa Kỳ và Nhật Bản.
2.4.2 Nội dung bảo hộ sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TPP – TRIPs+
Đàm phán TPP hiện đang là một trong những đàm phán thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, bao gồm không chỉ các vấn đề về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mà còn cả những vấn đề phi thương. Tuy nhiên Doanh nghiệp Việt Nam phải đối đầu với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Theo Hiệp định TPP hiện nay, vấn đề sở hữu trí tuệ bao gồm các điều kiện của Hiệp định TRIPS của WTO, tuy nhiên vấn đề sở hữu trí tuệ của TPP có phạm vi rất rộng với yêu cầu cao hơn hẳn TRIPs, do đó người ta gọi sở hữu trí tuệ trong Hiệp định TPP là TRIPs+.
Bản dự thảo chương SHTT (bản bị tiết lộ mới nhất tháng 5/2012) do Hoa Kỳ đề xuất cho thấy nước này yêu cầu mức độ bảo hộ SHTT cao hơn nhiều trong TRIPS (Hiệp định WTO về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ), bao gồm  yêu cầu điều chỉnh các quy định SHTT theo hướng tăng quyền của chủ sở hữu, giảm các điều kiện đăng ký bảo hộ và tăng cường các biện pháp thực thi. Đây lại một vấn đề lớn đối với các DN Việt Nam vì hiện nay, tuy đã tham gia Công ước Bern nhưng Việt Nam vẫn chưa có các thiết chế bảo hộ hiệu quả, số vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ còn rất lớn. Do đó, nếu bảo hộ chặt chẽ sẽ dẫn tới những khó khăn cho DN Việt Nam khi phải bỏ chi phí nhiều hơn trước đây cho cùng một loại sản phẩm. Dĩ nhiên, cần nhận thức đầy đủ rằng tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay cần phải được chấm dứt nếu muốn phát triển nền kinh tế một cách lành mạnh. Tuy nhiên, thực hiện ngay và toàn bộ, thay vì thực hiện dần dần, các yêu cầu của hiệp định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) sẽ là bất khả thi và sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy cho các DN.
Hiện nay, tài liệu rõ ràng nhất về vấn đề sở hữu trí tuệ trong TPP do Mỹ đề xuất được trang web wikileak tiết lộ tháng 11 năm 2013 là tài liệu thể hiện rõ ràng nhất quan điểm của Mỹ về vấn đề sở hữu trí tuệ trong TPP. Tài liệu này bao gồm 95 trang bằng tiếng Anh bao gồm 9 chương được đánh thứ tự theo vấn chữ cái từ A đến I trong đó có chương về Các quy định chung (Section A), Về sự hợp tác (Section B), nhãn hiệu  (Section C), Chỉ dẫn địa lý (Section D), Sáng chế và Các đối tượng có thể bảo hộ sáng chế (Section E), Kiểu dáng công nghiệp (Section F), Quyền tác giả va quyền liên quan  (Section G), Vấn đề thực thi (Section H), Tổ chức cung cấp dịch vụ Internet (Section I).
Trong số các vấn đề đề xuất có một số vấn đề đáng chú ý bao gồm việc mở rộng phạm vi đối tượng được bảo hộ sáng chế cả các phương pháp sử dụng, các tính năng mới, kéo dài thời hạn bảo hộ sáng chế và hạ thấp các điều kiện bảo hộ về sáng chế; bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu; kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan; độc quyền dữ liệu.
Mục đích của các nước tham gia đàm phán TPP, về phía các nước phát triển, cụ thể
như Mỹ và Úc, họ muốn giải quyết những vấn đề mà không đạt được ở trong các khuôn khổ hiệp định khác, ví dụ như WTO. Mục tiêu của các nước này là muốn nâng mức độ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các giới đầu tư, sáng tạo, cụ thể là các hãng công nghiệp lớn.
Ngay từ đầu Hoa Kỳ đã tuyên bố là trong đàm phán TPP, họ nhất định phải đạt được 6 nội dung cơ bản. Trong đó các chuẩn mực chung, các điều ước quốc tế của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, hoặc các điều ước khu vực đã ký kết được các nước phải tham gia thi hành. Đồng thời các chuẩn mực cụ thể đối với từng lĩnh vực cụ thể, đó là đối với nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, đối với sáng chế, đối với dữ liệu thử nghiệm cho thuốc và cho các hóa chất nông nghiệp, quyền tác giả, quyền liên quan, và một phần quan trọng nhất là trường hợp thực thi của sở hữu trí tuệ cũng là nội dung đáng chú ý.
Trong phần quy định chung, các nguyên tắc cơ bản là nguyên tắc không  phân biệt đối xử, nguyên tắc NT và MFN, đều có trong hiệp định TRIPS của WTO. Nhưng khi đưa quy định đấy, ví dụ quy định NT vào một hiệp định mà phạm vi rộng hơn và quyền cao hơn, thì nghĩa vụ kéo theo cũng sẽ lớn hơn. Riêng MFN thì các nước không đưa vào yêu cầu chung với TPP vì người ta cho rằng bản thân hệ thống quốc gia của họ sẽ cao hơn TPP và họ không muốn áp dụng quy định MFN này cho các nước khác. Vì vậy chỉ Việt Nam mới là bên muốn quy định MFN này.
Nguyên tắc chung là nguyên tắc cấm nhập khẩu song song, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ phải được phép sở hữu cả hàng hóa mà chính họ đã bán ở thị trường nước ngoài, chẳng hạn khi nhập khẩu vào Việt Nam, họ vẫn có quyền kiểm soát hàng hóa đó. Các nguyên tắc cơ bản thì thiếu hẳn những mục tiêu mà đã được thỏa thuận trong WTO là các mục tiêu cân bằng lợi ích xã hội, bảo vệ lợi ích xã hội, và thiếu hẳn các điều kiện về hợp tác. Có một yêu cầu khó đối với Việt Nam đó là các nước phát triển không đồng ý đưa vào một chương cho hợp tác hay là hỗ trợ kỹ thuật.
Liên quan đến nhãn hiệu hàng hóa và chỉ dẫn địa lý, các nước yêu cầu Việt Nam gia nhập Điều ước về Luật Nhãn hiệu, tức là điều ước về thủ tục, để hài hòa về mặt thủ tục. Điều ước này đòi hỏi phải đơn giản hóa thủ tục, xác định quyền đối với nhãn hiệu, tức là thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên có một số điều trong đó mà Việt Nam chưa thể đáp ứng được ngay. Về mặt đối tượng, các nước yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi, đến nay thì Việt Nam chỉ mới bảo hộ được nhãn hiệu nhìn thấy được. Đối với chỉ dẫn địa lý, các nướcyêu cầu phải bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tức là tên gọi của các địa phương dùng để chỉ dẫn hàng hóa, những đặc sản của vùng miền, ví dụ như cà phê Buôn Mê Thuột hay nước mắm Phú Quốc. Họ muốn chúng phải được bảo hộ như nhãn hiệu, thậm chí là nhãn hiệu cá thể. Như vậy thì có nguy cơ chỉ dẫn địa lý của cộng đồng sẽ bị thuộc những người đăng ký trước. Ở đây, nếu như có ai đó đã đăng ký chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu thì người đó sẽ có quyền chống lại các chỉ dẫn địa lý khác. Điển hình như khi Việt Nam bị mất nhãn hiệu Buôn Mê Thuột vào tay một doanh nghiệp Trung Quốc, khi chiếu theo nguyên tắc mà các nước đòi hỏi trong FTA, thì Việt Nam sẽ không đòi lại được.
Ngoài ra còn có quy định về điện tử hóa, hay là minh bạch hóa quy trình xử lý đơn ở cơ quan đăng ký nhãn hiệu. Điều này cũng rất thỏa đáng, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, điều kiện của cơ quan đăng ký nhãn hiệu của Việt Nam chưa đáp ứng được những yêu cầu đó.
Đối với chỉ dẫn địa lý, vì các nước như Mỹ, Úc, New Zealand không có một cơ chế bảo hộ đăng ký chỉ dẫn địa lý riêng, mà họ bảo hộ dưới danh nghĩa nhãn hiệu, thậm chí cho cả cá nhân đăng ký, nên họ yêu cầu Việt Nam phải công nhận thủ tục đăng ký nhãn hiệu là một cơ chế đủ để bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Còn thủ tục riêng về chỉ dẫn địa lý, thì họ không bắt buộc, nhưng đòi hỏi là nếu như có thì thủ tục phải đơn giản, giống như những thủ tục đăng ký nhãn hiệu. Đặc biệt, đối với quan hệ quốc tế thì chỉ dẫn địa lý thường được bảo hộ. Ví dụ, trong quan hệ với châu Âu, thì EU thường đòi hỏi công nhận quyền được bảo hộ lẫn nhau với các chỉ dẫn địa lý cụ thể. Ví dụ, trong đàm phán WTO, Việt Nam buộc phải công nhận quyền được bảo hộ của 2 chỉ dẫn địa lý của Mexico. Nhưng những trường hợp như vậy rất hãn hữu và rất đặc biệt. Hoa Kỳ có một hệ thống bảo hộ ngược với châu Âu nên nếu như các nước thỏa thuận với nhau về việc tự động bảo hộ thì những chỉ dẫn địa lý được công nhận và tự động bảo hộ cũng phải có thể được phản đối và hủy bỏ hiệu lực giống như đăng ký theo thủ tục quốc gia.
Đối với sáng chế, các nước yêu cầu Việt Nam tham gia hàng loạt các điều ước quốc tế về thủ tục. Đặc biệt là đối với đối tượng bảo hộ, các nước bắt phải bảo hộ những phương pháp sử dụng mới hoặc các công dụng mới của các sản phẩm đã biết, Việt Nam bị yêu cầu phải bảo hộ các phương pháp phòng và chẩn đoán bệnh, hay bảo hộ thực vật, động vật, các quá trình sản xuất thực vật, động vật bằng quy trình sinh học. Tất cả những đối tượng này là những đối tượng được phép loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ sáng chế mà WTO cho phép. Đối với tiêu chuẩn bảo hộ, các nước đưa ra những định nghĩa giống như luật quốc gia của họ, mà có thể nói rằng tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế của Mỹ là thấp nhất thế giới. Họ bảo hộ một cách dễ dàng, nên họ muốn áp đặt mức bảo hộ đó sang các nước ký kết FTA. Họ đòi phải kéo dài thời gian bảo hộ, nếu như thủ tục đăng ký sáng chế, thủ tục đăng ký thuốc, hay thủ tục đăng ký các sản phẩm hóa chất nông nghiệp bị chậm trễ. Họ đề nghị rằng không cho phép các quốc gia có thủ tục phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ trước khi văn bằng bảo hộ được cấp, vì họ muốn tạo điều kiện cho văn bằng được cấp thật nhanh. Riêng đối với dược phẩm và nông hóa phẩm, các FTA có những điều rất riêng, khác hẳn hiệp định TRIPS. Ở trong hiệp định TRIPS của WTO thì chúng ta có cơ chế bảo hộ thông tin bí mật, bảo hộ những dữ liệu thử nghiệm mà vẫn được bí mật, và quyền của người bảo hộ chỉ là được giữ bí mật thông tin đó, người khác không được tiếp cận, không được bộc lộ, không được dùng những thông tin mà bị tiếp cận hoặc bộc lộ trái phép để làm các thủ tục đăng ký lưu hành sản phẩm tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng trong các FTA hiện đại, người ta lại có cơ chế bảo hộ độc quyền đối với những dữ liệu, những thông tin như vậy. Cơ chế bảo hộ độc quyền này sẽ dẫn đến một đối tượng bảo hộ hoàn toàn mới, tức là không phải bản thân dữ liệu đó nữa, mà độc quyền thực chất là dành cho chính sản phẩm đó. Cả về đối tượng bảo hộ và thời gian bảo hộ, lẫn các điều kiện bảo hộ, đều rất “thái quá”, dành quyền lợi rất nhiều cho các hãng dược. Vì vậy nên trên báo chí, các phương tiện thông tin truyền thông, xã hội các nước tham gia đàm phán đều có những phản ứng rất gay gắt về đề xuất của Mỹ. Vậy nên một số FTA mà Mỹ ký kết với một số nước như Peru, mãi mới được quốc hội Mỹ thông qua.
Về quyền tác giả và quyền liên quan, thời hạn bảo hộ được Mỹ đòi kéo dài lên rất cao, bằng cuộc đời của tác giả cộng với 70 năm, trong khi của Việt Nam là 50 năm, và nếu không tính theo cuộc đời tác giả, thì đòi bảo hộ đến 95 năm sau khi công bố, và không quá 120 năm, trong khi hai con số này ở Việt Nam lần lượt là 70 năm và 100 năm. Phạm vi quyền cũng được mở ra rất rộng, và thậm chí đối với những hành vi không phải là xâm phạm quyền, ví dụ như các hành vi xâm phạm vào các công nghệ bảo vệ tác phẩm, hoặc xâm phạm vào thông tin quản lý quyền, hay các nhà cung cấp dịch vụ cũng bị đặt trách nhiệm rất lớn. Tức là nội dung bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được mở ra rất rộng, bên cạnh bản quyền thì còn có tín hiệu vệ tinh, Việt Nam cũng bảo hộ tín hiệu vệ tinh mang chương trình, nhưng tín hiệu này ở trong các hiệp định FTA thì được mở rộng ra cả tín hiệu truyền cáp.
Chương cuối cùng là phần thực thi, Mỹ đặt ra những tiêu chuẩn rất hà khắc để thực thi một cách nghiêm ngặt đối với quyền sở hữu trí tuệ từ biện pháp thủ tục hành chính dân sự và hình sự. Về dân sự thì có các điều như chế tài hay biện pháp xử lý hàng hóa có thiên hướng giống như là hình sự. Kể cả thủ tục kiểm soát hải quan ở biên giới cũng như vậy. Đối với thủ tục hành chính, trong 9 nước đàm phán, chỉ có Việt Nam và Peru có thủ tục hành chính, nhưng Mỹ lấy nguyên một nguyên tắc của hiệp đinh TRIPS là nếu như một nước có thủ tục hành chính, thì thủ tục hành chính phải giống như thủ tục dân sự. Đặc biệt là đối với biện pháp hình sự thì họ đã hình sự hóa cái hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ ở mức rất cao. Trong đó, tiêu chuẩn của điều ước quốc tế được phổ biến hiện nay ở trong TRIPS là: hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan, hoặc giả mạo nhãn hiệu phải ở quy mô thương mại, và có tính chất cố ý thì mới xử lý. Trong các FTA, người ta đưa ra một định nghĩa về quy mô thương mại khiến cho bản chất của hành vi không còn là quy mô thương mại nữa. Ví dụ như tronng hiệp định về chống hàng giả mới ký kết cuối năm ngoái, họ định nghĩa quy mô thương mại, đối với quyền tác giả và quyền liên quan, là nếu có xâm phạm đáng kể, dù không có động cơ thu lợi tài chính, trực tiếp hay gián tiếp, thì cũng bị xử lý hình sự; và xâm phạm nhằm đạt lợi thế thương mại, hoặc nhằm thu lợi tài chính, thì cũng bị xử lý hình sự. Điều này là rất khó đối với hệ thống pháp luật của Việt Nam, vì các hành vi vi phạm phải đạt một ngưỡng nhất định, bên cạnh hệ thống hình sự, chúng ta còn có một hệ thống hành chính để hỗ trợ cho hệ thống hình sự. Ngoài ra, các hành vị bị xử lý hình sự cũng mở rất rộng, hành vi xuất nhập khẩu, hành vi xâm phạm bí mật thương mại, hay thậm chí quay phim trong rạp, họ hình sự hóa quan hệ dân sự và có thể xâm phạm cả quyền cá nhân.
Trong chương thực thi thì đặc biệt có thực thi bản quyền trong môi trường kỹ thuật số là những điểm rất nổi bật. Với những yêu cầu như vậy, các hãng công nghệ lớn có quyền rất cao, và doanh nghiệp của Việt Nam, theo như thống kê về đăng ký sáng chế cở cục sở hữu trí tuệ, thì số lượng sáng chế cấp cho người Việt Nam là không đáng kể. Hiện nay Việt Nam đang bảo hộ chủ yếu là quyền của người nước ngoài. Do đó với quyền được nâng cao như thế, khả năng tiếp cận công nghệ mới, khả năng tiếp cận sản phẩm mới của chúng ta sẽ bị hạn chế một cách đáng kể. Chế độ thực thi hà khắc sẽ khiến cho doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị kiện cáo rất phức tạp và bị phạt rất nặng nếu xâm hại vào quyền sở hữu trí tuệ.
Hiện nay, các nước TPP đã bắt đầu xem xét một phương pháp tiếp cận mới cho vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm, theo đó vẫn sẽ thiết lập một gói các nghĩa vụ/tiêu chuẩn chung, duy nhất cho tất cả các nước tham gia - cả phát triển và đang phát triển - nhưng cho phép lộ trình thực thi dài hơn đối với các nước đang phát triển, thu nhập thấp. Tuy nhiên kết quả cuối cùng của TRIPS+ như thế nào thì vẫn phải chờ tới khi vòng đàm phán đi đến hồi kết thúc. Theo người phát ngôn của Cơ quan đại diện Thương mại Hoa Kỳ, Hoa Kỳ sẽ là chủ nhà vòng đàm phán TPP tới đây diễn ra từ ngày 7-12 tháng 12 tại Washington. Một số Bộ trưởng TPP đã tuyên bố công khai rằng các cuộc đàm phán có thể kết thúc trong vòng 6 tháng đầu năm 2015.

 CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ TẠI VIỆT NAM.
3.1Những thành tựu đạt được trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam.
3.1.1 Đăng kí quyền sở hữu công nghiệp:
Trong năm 2013, tổng số đơn đăng kí SHCN là 42.998 đơn, bao gồm: 4.169 đơn sáng chế, 331 đơn giải pháp hữu ích, 2.129 đơn kiểu dáng công nghiệp, 31.184 đơn nhãn hiệu quốc gia, 5.064 đơn nhãn hiệu đăng ký quốc tế có chỉ định Việt Nam, 4 đơn chỉ dẫn địa lý, 2 đơn thiết kế bố trí mạch tích hợp, cùng 115 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam (12 đơn sáng chế và 103 đơn nhãn hiệu).
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), tính đến 31/12/2010, cả nước ta có 944 địa danh được sử dụng cho các sản phẩm, dịch vụ đặc thù của địa phương. Trong đó, miền Bắc là 361 địa danh, miền Trung là 257 và miền Nam là 326. Việt Nam đang đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN về các sản phẩm được CDĐL, sau Thái Lan. Việt Nam đang đứng thứ 2 trong số các nước ASEAN về các sản phẩm được CDĐL, sau Thái Lan. Tuy nhiên, với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản mỗi năm đạt trên 20 tỷ USD và với khối lượng sản vật phong phú vốn có thì tiềm năng của Việt Nam còn rất lớn. Nhưng có một thực tế hiện nay là việc đăng ký bảo hộ CDĐL cho sản phẩm chưa được sự quan tâm của các hiệp hội, làng nghề, cũng như các địa phương. Tính từ năm 2001, khi có 2 CDĐL đầu tiên được công nhận, cho đến thời điểm này, sau 13 năm thì mới có thêm 40 nông sản nữa được cấp CDĐL. Việc hạn chế số lượng các CDĐL là thiệt thòi cho nông sản Việt vì sản phẩm được đăng ký bảo hộ CDĐL sẽ có giá trị và mang lại lợi nhuận cao hơn.
Tính đến hết năm 2013, ở Việt Nam có 40 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, trong đó có 6 chỉ dẫn địa lý mới được bảo hộ. Điều đặc biệt là cả 6 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mới được bảo hộ trong năm 2013 đều của Việt Nam, bao gồm: mật ong bạc hà Mèo Vạc, bưởi Năm Roi Bình Minh, bưởi Luận Văn, chả mực Hạ Long, muối Bạc Liêu và mai vàng Yên Tử. Đây là những sản phẩm nổi tiếng, đặc trưng của các địa phương: Hà Giang, Vĩnh Long, Thanh Hóa, Bạc Liêu và Quảng Ninh. Song song với việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký, Cục SHTT cũng đang nỗ lực hỗ trợ các địa phương quản lý và phát triển để nâng cao hiệu quả khai thác các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
Hiện nay rất nhiều nông sản của Việt Nam rơi vào tình trạng được các doanh nghiệp nước ngoài mua về và chế biến lại, đóng gói, dán mác khác sẽ bán được giá cao hơn. Cụ thể như nông sản nhiều nhất Việt Nam là gạo. Gạo của nước ta thường chỉ được bán với giá khoảng hơn 400 USD/tấn, nhưng khi doanh nghiệp nước ngoài chế biến, đóng gói, dán nhãn khác bán được giá hơn 1.000 USD/tấn.

3.1.2 Công tác nghiên cứu, đào tạo và tuyên truyền nâng cao nhận thức về SHTT:
Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống SHTT năm 2013 đã có những cải tiến và đạt được những kết quả mới. Đối với cán bộ của Cục SHTT, đặc biệt là các thẩm định viên, việc đào tạo được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn một được tiến hành ở trong nước (được giảng dạy bởi các chuyên gia trong và ngoài nước) và giai đoạn hai được tiến hành ở nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ). Thông qua các khoá đào tạo này, kiến thức, kinh nghiệm của các thẩm định viên được nâng lên một bước, đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao và phức tạp. Bên cạnh đó, cán bộ của Cục còn được tham dự các khoá đào tạo chuyên sâu vềcác khía cạnh khác nhau của quyền SHTT ở trong và ngoài nước và các khoá đào tạo kỹ năng do Trường Quản lý KH&CN của Bộ tổ chức. Không chỉ tập trung vào đội ngũ cán bộ của Cục, công tác đào tạo cán bộ cho các chủ thể khác trong hệ thống SHTT cũng được đẩy mạnh. Trong năm 2013, Cục đã tổ chức Khoá đào tạo nâng cao vềthực thi quyền SHTT cho lực lượng quản lý thị trường, Khoá đào tạo cho các cán bộ quản lý SHTT trong các doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác (chủ yếu là các Sở KH&CN) tổ chức 31 lớp tập huấn tại các địa phương cho khoảng 2.000 lượt người tham dự, về các chủ đề như: bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý; thực thi quyền SHTT; bảo hộ và thực thi quyền SHTT đối với các đặc sản địa phương; tạo lập và phát triển thương hiệu; khai thác thông tin SHCN, nhất là thông tin sáng chế phục vụ giảng dạy và nghiên cứu; sáng tạo và bảo hộ quyền SHTT đối với kết quả sáng tạo; bảo hộ quyền SHTT và công tác sáng kiến... Đặc biệt, Cục SHTT đã tổ chức 2 Khoá đào tạo về sử dụng và tra cứu thông tin sáng chế, Khoá đào tạo về kỹ năng soạn thảo đơn đăng ký sáng chế cho khoảng 150 lượt người tham dự (chủ yếu là các cán bộ quản lý khoa học, cán bộ nghiên cứu của các trường đại học, viện nghiên cứu và một số tổ chức đại diện SHCN).. Chương trình đào tạo trực tuyến trên trang web của Cục (DL 101) cũng tiếp tục được tổ chức, với 589 học viên tham dự trong hai đợt của năm 2013.
Các hội thảo chuyên đề cũng được thường xuyên tổ chức, tập trung vào các vấn đề như quản lý và thương mại hoá tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu; định giá tài sản trí tuệ; quản lý chỉ dẫn địa lý;... Trong năm 2013, Cục SHTT đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tổ chức 9 hội thảo với 1.250 lượt đại biểu tham dự.
Các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh và tập trung vào các dịp đặc biệt như kỷ niệm Ngày SHTT thế giới (26/4), ngày thành lập Cục SHTT (29/7), bên cạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng được thường xuyên tổ chức.
3.1.4 Thông tin về sở hữu công nghiệp
 Điểm nổi bật trong cập nhật trên trang tin điện tử của Cục SHTT là việc công bố thông tin SHCN trong quá trình xử lý đơn đăng ký SHCN. Thông qua trang tin điện tử, các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có thể tiếp cận và khai thác một cách đều đặn và kịp thời bản điện tử của Công báo SHCN. Việc công bố thông tin SHCN đầy đủ và kịp thời đã hỗ trợ không nhỏ cho việc xác lập và bảo vệ quyền SHCN, đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của các cá nhân, tổ chức trong các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D), sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, các công cụ tra cứu thông tin SHCN cũng có thể dễ dàng tiếp cận và khai thác từ Trang tin điện tử của Cục SHTT, điển hình là thư viện điện tử SHCN – IPLib và Thư viện Bằng sáng chế Việt Nam– DigiPat. Việc khai thác các thư viện điện tử SHCN ngày càng được đẩy mạnh và trở thành một công cụ không thể thiếu trong đánh giá sơ bộ khả năng bảo hộ, đánh giá tình trạng xâm phạm, tìm hiểu các đối tượng SHCN trong nghiên cứu và kinh doanh hiện nay. Trang tin điện tử còn cung cấp hàng loạt thông tin hữu ích khác như: thông tin về tình hình đăng ký SHCN của các địa phương được cung cấp định kỳ hàng quý và hàng năm.
3.1.5 Thực thi về khiếu nại trong sở hữu công nghiệp
Năm 2013, các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác thực thi quyền SHCN nhằm từng bước đẩy lùi nạn hàng giả, hàng nhái. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, tính tổng số trên cả nước: vềnhãn hiệu có 2.325 vụ đã được xử lý với tổng số tiền phạt là 19.139.300.000 đồng; về kiểu dáng công nghiệp có 67 vụ đã được xử lý với tổng số tiền phạt là 199.250.000 đồng; về sáng chế/GPHI có 13 vụ đã được xử lý với tổng số tiền phạt là 26.000.000 đồng; về chỉ dẫn địa lý có 3 vụ đã được xử lý và tổng số tiền phạt là 5.000.000 đồng. Việc xử lý xâm phạm quyền SHCN ở các địa phương tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng nhái, hàng giả về nhãn hiệu và xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, với những địa phương dẫn đầu trong công tác này là TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Thanh Hóa, Đà Nẵng. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt cảnh cáo, phạt tiền và tịch thu hàng giả mạo về SHTT. Phần lớn các trường hợp xâm phạm được xác định là do thiếu hiểu biết pháp luật của các cá nhân và cơ sở sản xuất kinh doanh.

3.2 Những hạn chế trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp:
3.2.1 Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước còn hạn chế
Cùng với sự gia tăng về số lượng đơn đăng ký quyền SHTT, số vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam đang gia tăng. Đơn cử ở TP.HCM, năm 2013, số vụ vi phạm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chỉ bằng một nửa năm 2012 nhưng giá trị phạt tiền và tiêu hủy cao gấp 2 lần. Việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chủ yếu về hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu, xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Vụ việc vi phạm xảy ra ở nhiều mặt hàng, lĩnh vực và thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Đáng chú ý là có khốỉ lượng lớn hàng giả, hàng nhái được sản xuất ở nước ngoài và nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ; có công ty tới 90% hàng giả là hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý thị trường, công tác chống xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là do cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ; nhận thức cộng đồng chưa cao và sự phối hợp giữa DN và cơ quan thực thi chưa bài bản... Bên cạnh các DN có sự phốỉ hợp thường xuyên, chặt chẽ với cơ quan nhà nước thì còn nhiều DN chưa quan tâm đúng mức.
Nhiều DN từ chối, thậm chí “ngại” đề nghị xử lý xâm hại với lý do khó khăn về kinh tế... Năm 2013, chỉ có 106 DN Việt Nam đề nghị thực thi bảo hộ quyền SHTT, con số rất nhỏ trong tổng số khoảng 3,5 triệu DN hiện nay. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, để xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (hàng giả), nhất thiết phải có sự tham gia của DN chủ sở hữu, vì DN có đủ căn cứ pháp lý bảo hộ quyền của mình, có đủ căn cứ xác định vi phạm quyền và đề nghị xử lý xâm phạm, xác nhận hàng hóa xâm phạm khi cơ quan chức năng bắt giữ. Nếu DN bất hợp tác, cơ quan chức năng rất khó khăn để chống hàng giả.
Khi quản lý thị trường phát hiện hàng giả, yêu cầu DN tham gia xác định hàng giả thì DN chưa tích cực hợp tác do e ngại ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, khiến người tiêu dùng không muốn mua sản phẩm của mình. Hoặc do kinh phí xử lý tốn kém nên DN né tránh. Ngoài ra còn do các thủ tục khi nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm theo quy định hiện hành còn hết sức rườm rà, phức tạp. Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Những nguyên nhân này làm cho hiệu quả thực thi chống vi phạm xâm phạm sỏ hữu công nghiệp không cao.
3.2.2 Chế tài trong xử lí vi phạm chưa cao
Ngoài khó khăn trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước thì chế tài chưa cao dẫn đến việc vi phạm sẽ diễn ra nhiều và phức tạp hơn vì lợi ích kinh tế quá lớn khi đem so sánh với mức phạt mà người vi phạm phải chiu. Trong 6 tháng đầu năm 2013 chỉ có 21 đối tượng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, trong đó cảnh cáo 01, phạt tiền 20 với tổng số tiền 1.121 tỉ động.
3.2.3 Sự chồng chéo trong hệ thống quản lí Quyền SHTT
Tổ chức và hoạt động của các cơ quan có trách nhiệm đấu tranh với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn thiếu đồng bộ và chồng chéo, nhiều tầng nấc xử lý khiến hiệu lực thực thi bị phân tán, phức tạp. Hiện có tới 6 loại cơ quan (UBND các cấp, thanh tra khoa học và công nghệ, thanh tra văn hóa, cảnh sát kinh tế, quản lý thị trường, hải quan) cùng có thẩm quyền xử phạt vi phạm. Theo thông lệ ở các nước trên thế giới thì tòa án phải đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, vai trò của tòa án rất mờ nhạt so với các cơ quan hành chính. Mỗi năm có tới hàng nghìn vụ vi phạm sở hữu trí tuệ được xử lý bởi các cơ quan hành chính, nhưng số vụ được đưa ra xét xử tại tòa án lại không nhiều. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, việc giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ từ năm 2000 đến năm 2005 (giai đoạn trước khi có Luật Sở hữu trí tuệ) của toàn ngành Tòa án như sau: thụ lý 93 vụ án, đã giải quyết 61 vụ án, trong đó: đình chỉ, tạm đình chỉ là 16 vụ án; hòa giải thành 12 vụ án; đưa ra xét xử 33 vụ án (bao gồm 11 vụ án tranh chấp quyền tác giả và quyền liên quan, 22 vụ án tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp). Kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành (từ ngày 01-7-2006) thì tình hình giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án cũng không có sự chuyển biến đáng kể, theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao từ 01-7-2006 cho đến ngày 22-6-2009 thì toàn ngành Tòa án chỉ thụ lý được 108 vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ (trong đó chiếm đa số là tranh chấp về quyền tác giả với 90 vụ; tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp chiếm 10 vụ; tranh chấp về hợp đồng sử dụng tác phẩm chiếm 5 vụ; tranh chấp về hợp đồng chuyển giao công nghệ chiếm 3 vụ).
 Chưa kể, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của phần lớn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật còn hạn chế, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến sở hữu trí tuệ, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, công nghệ máy tính…

3.3 Tình hình bảo hộ SHTT việt nam ở nước ngoài.
3.3.1 Vị trí của bảo hộ SHTT Việt Nam trên thế giới.
Theo thống kê của WIPO, mặc dù nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng lượng đơn đăng ký quốc tế các đối tượng sở hữu công nghiệp vẫn tăng trong năm 2013.
Tổng số đơn đăng ký quốc tế các đối tượng sở hữu công nghiệp theo hệ thống do WIPO quản trị trong năm 2013 tăng so với năm 2012. Cụ thể, đơn đăng ký sáng chế quốc tế theo Hiệp ước Hợp tác sáng chế (PCT) là 205.300 tăng 5,1%, Đơn đăng ký quốc tế theo Hệ thống Madrid là 48.829 tăng: 6,4%; Đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Hệ thống La Hay là 2.990 tăng: 14,8%.
 Theo thống kê năm 2013, Cục SHTT mới chỉ nhận được 115 đơn đăng ký quốc tế SHCN có nguồn gốc Việt Nam các loại trong đó có 12 đơn sáng chế và 103 đơn nhãn hiệu
3.3.2 Cách thức xâm phạm:
Các cá nhân và pháp nhân nước ngoài chủ yếu xâm phạm về SHHT của DN Việt Nam chủ yếu là về thương hiệu (Thương hiệu thường dùng để chỉ chung cho nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lí). Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã sai lầm khi chỉ biết cố gắng xây dựng cho được thương hiệu mà không biết cách bảo vệ và giữ gìn thương hiệu bằng việc làm chẳng khó khăn gì: đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài.
Các cá nhân và pháp nhân nước ngoai lợi dụng 2 nguyên tắc dưới đây để xác lập quyền sở hữu cho mình nhằm chiếm đoạt thương hiệu của Việt Nam, cụ thể:
 Nguyên tắc giới hạn quyền độc quyền theo lãnh thổ. Vì đặc trưng của quyền sở hữu công nghiệp (chẳng hạn như quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý,…) là bị giới hạn theo nguyên tắc lãnh thổ, nghĩa là đăng ký ở đâu thì chỉ được hưởng quyền độc quyền ở lãnh thổ đó mà không mặc nhiên phát sinh hiệu lực ở nước khác
 Nguyên tắc ai nộp đơn đăng ký trước thì được cấp trước. Hầu hết luật nhãn hiệu các nước trên thế giới đều quy định chỉ có đơn đăng ký nhãn hiệu nào được nộp sớm nhất trong số các đơn đăng ký nhãn hiệu đó thì mới được cấp đăng ký bảo hộ.
3.3.3 Hậu quả của việc thương hiệu bị chiếm đoạt.
Chủ sở hữu thương hiệu trước hết phải đối mặt với nguy cơ bị kiện hoặc bị cấm xuất khẩu vào lãnh thổ bị mất thương hiệu do xâm phạm quyền độc quyền của thương hiệu đã đăng ký tại lãnh thổ đó bất kỳ lúc nào.
 Chủ sở hữu thương hiệu đánh mất một khoản doanh thu đáng lẽ được hưởng tại nước đó hoặc đánh mất cơ hội thâm nhập thị trường đó.
 Uy tín và danh tiếng gắn liền với thương hiệu có thể bị suy giảm nghiêm trọng khi một mặt người tiêu dùng không phân biệt được nguồn gốc hàng hóa/dịch vụ đang cung cấp bởi cùng một thương hiệu, hoặc mặt khác trong một số trường hợp kẻ chiếm đoạt lợi dụng uy tín của thương hiệu sản xuất và cung ứng ra thị trường hàng hóa kém chất lượng, đánh lừa người tiêu dùng nhằm động cơ trục lợi hoặc hủy hoại danh tiếng của thương hiệu.
 Kẻ chiếm đoạt thương hiệu vô hình chung đã trở thành kẻ mạo danh được hợp pháp hóa thông qua văn bằng bảo hộ đối với thương hiệu đó.
3.3.4 Một số ví dụ thực tế
Café Trung Nguyên
Công ty cà phê Trung Nguyên khi nộp hồ sơ xin đăng ký thương hiệu tại Hoa Kỳ với tên gọi "Trung Nguyên nguồn cảm hứng sáng tạo mới", mới biết rằng đã bị chính đối tác của mình là Công ty Rice Field Corp đã đăng ký nhãn hiệu trước tại Văn phòng sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO) tên thương hiệu "Cà phê hàng đầu Buôn Ma Thuột Trung Nguyên" từ tháng 11 năm 2000. Trung Nguyên đã nhờ các luật sư tiến hành nộp đơn khiếu nại và đưa ra các bằng chứng quan trọng nhất, chứng tỏ sở hữu bản quyền nhãn hiệu hàng hoá của mình là chính đáng. Trong số các bằng chứng quan trọng nhất là giấy phép kinh doanh của Công ty này được cấp vào năm 1996, các nhãn hiệu của Trung Nguyên và biển hiệu đã được sử dụng tại Việt Nam, danh sách gần 400 quán cà phê tồn tại và hoạt động theo nhượng quyền kinh doanh của Trung Nguyên và các thị trường nước ngoài của Công ty này. Một mặt Cafe Trung Nguyên nộp đơn đăng ký bảo hộ với các cơ quan chức năng Hoa Kỳ, với WIPO; mặt khác tiến hành thương thảo, đàm phán với Rice Field. Sau hai năm thương thảo, công ty này đã chấp thuận trả lại quyền bảo hộ và nhận làm đại lý phân phối sản phẩm Cafe Trung Nguyên của Việt Nam tại Mỹ.
Võng Xếp Duy Lợi
Trường hợp của võng xếp Duy Lợi, vào năm 2003 đã bị một doanh nhân người Nhật là ông Jonh Miki xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp “khung võng xếp” và Duy Lợi phải mất 5 tháng đeo đuổi vụ kiện để giành lại quyền sở hữu kiểu dáng cho mình. Nhưng đến giữa tháng 3.2004, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh (P&LD) - cơ quan đại diện cho quyền lợi của ông Lâm Tấn Lợi (chủ doanh nghiệp Duy Lợi) - lại phát hiện trên một trang web (có xuất xứ từ Mỹ) giới thiệu một loại khung võng gấp giống y hệt khung võng kiểu 1 của Duy Lợi (đã được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam). Khung võng xếp này của ông Chung Sen Wu (Đài Loan) đã được USPTO (cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ) cấp Bằng sáng chế độc quyền (BSCĐQ) ngày 22.10.2002. Điều này có nghĩa bất cứ loại võng xếp nào có kiểu dáng tương tự sẽ bị ngăn chặn ngay nếu muốn thâm nhập vào thị trường Mỹ. Tháng 5.2004, P&LD bắt đầu hành trình đầy cam go để đòi lại quyền BSCĐQ cho Duy Lợi. Mãi cho đến ngày 19.9.2005 tức hơn 1 năm sau ngày khởi kiện, USPTO mới công bố phán quyết hủy bỏ yêu cầu bảo hộ đối với khung võng xếp của ông Chung Sen Wu và thừa nhận cấp BSCĐQ cho Duy Lợi.
Thương hiệu café Buôn Ma Thuột
Nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp đăng bạ dưới hình thức tên gọi xuất xứ hàng hóa, nay là chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, vào tháng 10/2005. Năm 2011, nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co. Ltd ở tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc) đăng ký độc quyền, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao cho Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột phối hợp với Văn phòng Luật sư Phạm và Liên doanh khiếu kiện đòi lại. Tuy nhiên khi tìm hiểu thì thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột không những bị doanh nghiệp Trung Quốc mà còn bị nhiều doanh nghiệp ở nhiều nước đăng ký bảo hộ. Còn nhãn hiệu “Cafe Ban Me Thuot” đã bị Công ty Rice Field Corporation nộp đơn đăng ký bảo hộ vào ngày 4/8/2003 tại Mỹ, Công ty Starbucks Copporation cũng đã đăng ký bảo hộ thương hiệu này vào ngày 4/3/1998 tại Canada. Riêng tại Hàn Quốc, ông Lee Mi Hyang đã đăng ký nhãn hiệu trong đó có từ “Buon” cho nhóm 30 sản phẩm cà phê vào ngày 6/1/2005. Sau gần 2 năm theo đuổi vụ kiện, ngày 16-1-2014, Phòng xét xử và xem xét lại nhãn hiệu của Trung Quốc ra phán quyết hủy bỏ 2 đăng ký nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” ở Trung Quốc của Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co. Ltd. Đến nay, phán quyết của họ đã có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.
3.3.5 Cách thức bảo hô thương hiệu ở nước ngoài
Có ba cách đăng ký sở hữu trí tuệ ở nước ngoài, đó là: con đường quốc gia, con đường khu vực và con đường quốc tế.
 Con đường quốc gia
Có thể lựa chọn đăng ký bảo hộ ở từng quốc gia riêng biệt bằng cách nộp đơn trực tiếp cho các Cơ quan sở hữu trí tuệ của các quốc gia đó. Đơn có thể phả iđược dịch sang ngôn ngữ quy định, thường là ngôn ngữ chính thức của quốc gia đó. Người đăng kí sẽ phải nộp lệ phí nộp đơn quốc gia và có thể phải uỷ quyền cho luật sư hay tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ để giúp bạn chắc chắn rằng đơn đã đáp ứng các yêu cầu của quốc gia đó. Một số quốc gia cũng sẽ yêu cầu rằng bạn phải thuê tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp. Nếu Người đăng kí vẫn trong giai đoạn đánh giá khả năng thương mại của sáng chế hoặc vẫn đang tìm kiếm thịtrường xuất khẩu hoặc đối tác li-xăng tiềm năng thì việc bảo hộ theo con đường quốc gia sẽ rất tốn kém và phức tạp, đặc biệt khi phải đăng ký bảo hộ ở nhiều nước khác nhau. Trong trường hợp này, các dịch vụ của hệ thống nộp đơn và đăng ký quốc tế đối với sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp do WIPO cung cấp sẽ mang lại một giải pháp đơn giản và ít tốn kém hơn.
 Con đường khu vực
Một số quốc gia đã thiết lập các thỏa thuận khu vực đểcó được sự bảo hộ sở hữu trí tuệ trong toàn bộ lãnh thổ của khu vực đó, với việc chỉ nộp một đơn đăng ký duy nhất. Các Cơ quan Sở hữu trí tuệ khu vực bao gồm:
Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO) có chức năng bảo hộ sáng chế ở tất cả nước thành viên của Công ước Sáng chế châu Âu. Công ước này hiện có 38quốc gia thành viên.
Cơ quan Hài hòa hóa thị trường nội khối châu Âu (OHIM) có chức năng bảo hộ Nhãn hiệu cộng đồng và Kiểu dáng công nghiệp cộng đồng cho chủ sở hữu, có hiệu lực thống nhất ở tất cảquốc gia thành viên Liên minh châu Âu thông qua một thủ tục đăng ký duy nhất.
Tổ chức Sở hữu công nghiệp khu vực châu Phi (ARIPO) là cơ quan Sở hữu trí tuệ dành cho các khu vực châu Phi nói tiếng Anh, có chức năng bảo hộ sáng chế, mẫu hữu ích, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp
Tổ chức Sở hữu trí tuệ châu Phi (OAPI) là Cơ quan Sở hữu trí tuệ khu vực dành cho các nước châu Phi nói tiếng Pháp và tiếng Bồ Đào Nha, có chức năng bảo hộ sáng chế, mẫu hữu ích, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và, trong tương lai, sẽ bảo hộ thiết kế bố trí mạch tích hợp.
Cơ quan Sáng chế Á - Âu (EAPO) có chức năng bảo hộ sáng chế ở các quốc gia thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG)
Cơ quan nhãn hiệu Benelux và Cơ quan Kiểu dáng Benelux có chức năng bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp ởVương quốc Bỉ, Hà Lan và Luxembourg.
Cơ quan Sáng chế của Hội đồng hợp tác các quốc gia Ả-rập vùng Vịnh có chức năng bảo hộ sáng chế ở Kuwait, Qatar, Oman, Saudi Arabia, United Arab Emirates Bahrain.
 Con đường đường quốc tế:
Các hệ thống nộp đơn và đăng ký quốc tế do WIPO quản lý đã đơn giản hoá đáng kể các thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ đồng thời ở nhiều quốc gia. Các hệ thống bảo hộ quốc tế do WIPO quản lý gồm ba cơ chế khác nhau bảo hộ đối với từng loại quyền sở hữu công nghiệp:
Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT):
Hệ thống quốc tế nộp đơn đăng ký sáng chế theo Hiệp ước Hợp tác về sáng chế (PCT) là hệ thống có quy mô trên toàn thế giới, có mục đích đơn giản hoá việc nộp đơn đăng ký sáng chế. Bất kỳ ai là công dân hoặc cư dân của các quốc gia thành viên Hiệp ước này đều có quyền nộp đơn quốc tế theo PCT. Người nộp đơn có thể nộp đơn tại Cơ quan Sở hữu trí tuệ của nước sở tại, hoặc nếu có thể, nộp tại Văn phòng quốc tế của WIPO ở Geneva.
Hệ thống Madrid:
Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế bảo hộ nhãn hiệu cung cấp cho chủ sở hữu nhãn hiệu khả năng bảo hộ nhãn hiệu ở một số nước thông qua việc nộp trực tiếp một đơn đăng ký nhãn hiệu cho Cơ quan nhãn hiệu quốc gia sở tại của người nộp đơn hoặc Cơ quan nhãn hiệu khu vực. Nhãn hiệu quốc tế được đăng ký có hiệu lực tương đương với đơn hoặc đăng ký nhãn hiệu của cùng nhãn hiệu có hiệu lực trực tiếp ở mỗi quốc gia được chỉ định bởi người nộp đơn. Nếu Cơ quan nhãn hiệu của quốc gia được chỉ định không từ chối việc bảo hộ trong một thời hạn quy định thì việc bảo hộ nhãn hiệu đó sẽ có hiệu lực giống như được đăng ký tại chính Cơ quan đó. Về nguyên tắc, đơn quốc tếcó thể được nộp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp hoặcTây Ban Nha; tuy nhiên, Cơ quan xuất xứ sẽ giới hạn sự lựa chọn của người nộp đơn ở một trong số các ngôn ngữ này. Đăng ký quốc tế có hiệu lực 10 năm.  Hiệu lực có thể được gia hạn mười năm một lần bằng cách đơn giản nộp khoản phí theo yêu cầu của WIPO. Tính đến tháng 1 năm 2007, đã có 80 nước là thành viên của Hệ thống Madrid.
Thoả ước La hay
Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp cung cấp cho chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp khả năng đăng ký bảo hộ kiểu dáng ở nhiều nước mà chỉ cần nộp một đơn đăng ký duy nhất, bằng một ngôn ngữ, cho Văn phòng quốc tế của WIPO, với mức phí được tính theo đồng Franc Thụy Sỹ.
Thủ tục đăng ký quốc tế có hiệu lực tại mỗi quốc gia được chỉ định giống như kiểu dáng đó đã được đăng ký trực tiếp ở quốc gia đó, trừ khi Cơ quan Sở hữu trí tuệ của nước đó không từ chối bảo hộ.

CHƯƠNG 4 GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG HIỆU LỰC CỦA VIỆC THỰC THI QUYỀN LỰC SỞ HỮU TRÍ TUỆ TẠI VIỆT NAM
Trên thực tế việc thực thi quyền SHTT còn nhiều hạn chế, hiệu lực của hệ thống các quy định về bảo hộ quyền SHTT còn thấp, tính minh bạch và sự nghiêm minh trong thực thi luật còn nhiều vấn đề cần xem xét… dẫn đến trình trạng vi phạm, xâm phạm quyền SHTT đang diễn ra khá phổ biến. Hầu như mọi chủng loại sản phẩm hàng hoá đều có hàng nhái, hàng có chứa yếu tố vi phạm quyền sở hữu…
Để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần tạo ra một môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sự hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quan trọng hơn là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, vấn đề đặt ra là cần có một định hướng rõ ràng, hiệu quả nhằm nâng hiệu lực của việc thực thi quyền SHTT trong thực tế. Trong phạm vi bài nghiên cứu, nhóm rút ra một số kiến nghị nhằm tăng hiệu lực của việc thực thi quyền SHTT tại Việt Nam trong thời gian tới:
4.1. Nhóm giải pháp về hoàn thiện pháp luật:
4.1.1 Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ và xử lý vi phạm sở hữu trí tuệ cho phù hợp, đáp ứng được các yêu cầu thực tế hiện nay.
Hiện nay, các quy định về các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn các điểm yếu, dẫn đến hiệu quả thực thi còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách đầy đủ. Đây là một trong những bất lợi của Việt Nam trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế.
- Đối với pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành về sở hữu trí tuệ, cần tiếp tục tổng kết thực tiễn thi hành những năm qua để bổ sung các quy định đầy đủ và cụ thể hơn, pháp điển hoá các quy định, các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện cho các chủ sở hữu tham gia bảo hộ quyền sở hữu của mình đối với tài sản sở hữu trí tuệ.
- Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự nên bổ sung quy định về các yếu tố cấu thành tội phạm phù hợp với các điểm mới trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sở Hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 cũng như các quy định trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Ngoài ra, cần sửa đổi và bổ sung các nội dung cụ thể như sau:
Sửa đổi từ 2 thành 7 đối tượng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong Khoản 1 Điều 171 của Bộ luật Hình sự năm 2005 và sửa đổi bổ sung năm 2009 để phù hợp với Luật Sở Hữu trí tuệ năm 2005 và sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Tăng mức xử phạt đủ nặng về mặt kinh tế và pháp lý đối với các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền SHTT để tăng tính nghiêm minh và thực thi có hiệu quả các quy định của Luật SHTT. Tăng khung hình phạt (tiền, giam giữ và thời gian giam giữ) đổi với các loại tội phạm vi phạm sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng:
Theo khoản 3, Điều 171 của Bộ Luật Hình sự năm 1999 và sửa đổi, bổ sung năm 2009, người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 156 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Các mức phạt này chưa đủ tính răn đe và phòng ngữa tội phạm. Do đó, cần nghiên cứu điều chỉnh cách tính mức phạt phải cao hơn, nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm, sao cho mức phạt tối thiểu cũng phải cao hơn lợi nhuận xác định được do hành vi vi phạm gây ra.
- Đối với Luật Sở Hữu trí tuệ năm 2005 và Luật Sở Hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009, cần sửa đổi và bổ sung các nội dung cụ thể như sau:
Nêu chi tiết, cụ thể từng khung mức phạt cụ thể cho từng hành vi vi phạm, xâm phạm sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng. Hiện tại, các quy định về việc xử lý vi phạm về SHTT chỉ được nêu chung chung trong Điều 202, 214 và 215 của Luật Sở Hữu trí tuệ năm 2005.
Trong quá trình tổ chức giám định, cần có hướng dẫn và quy định cụ thể cách chọn mẫu theo xác xuất và tỉ lệ % hay phương thức giám định của cả lô hàng để phục vụ giải quyết vụ án kịp thời có tác dụng phòng ngừa và răn đe tội phạm. Hiện nay, theo Điều 201 của Luật Sở Hữu trí tuệ năm 2005, các quy định về Giám định về sở hữu trí tuệ chưa được quy định cụ thể, rõ rang dẫn đến khó khăn và không đồng bộ trong việc giám định khi có vi phạm xảy ra.
Điều 207 Luật Sở hữu quy định bổ sung một số biện pháp khẩn cấp tạm thời áp dụng đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó, bao gồm:
Thu giữ;
Kê biên;
Niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển;
Cấm chuyển dịch quyền sở hữu.
Trong khi tại Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự, có 12 biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trong quá trình xử lý vụ án vi phạm dân sự. Như vậy có thể thấy các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật hiện hành có thể áp dụng trong các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ là tương đối ít, đặc biệt là các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự chưa được cụ thể hóa đối với các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, còn mang tính chung chung. Nội dung của các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được chỉnh sửa, bổ sung như sau:
Kê biên tài sản đang tranh chấp;
Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp;
Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước;
Phong toả tài sản ở nơi gửi giữ;
Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ;
Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định.
4.1.2 Quy định thời hạn tối đa để giải quyết vụ kiện là không quá 2 tháng kể từ ngày nộp đơn hợp lệ.
Theo quy định hiện hành thì thủ tục tố tụng dân sự đối với vụ án xâm phạm QSHCN được tiến hành theo trình tự chung là khá phức tạp, kéo dài thời gian. Thông thường một vụ kiện dân sự từ khi nộp đơn khởi kiện cho đến khi được đưa ra xét xử phải mất 4 đến 6 tháng, có trường hợp phải kéo dài hơn do qua nhiều cấp xét xử, do đó đối với các vụ án về SHCN cần có hướng dẫn hợp lý các trường hợp như tạm hoãn, tạm đình chỉ... để tránh kéo dài thời gian giải quyết của Tòa án.
4.2. Nhóm giải pháp về hoàn thiện tổ chức:
- Xây dựng được hệ thống cơ chế giám sát mang tính liên ngành nhằm phòng, chống một cách hiệu quả các hành vi vi phạm, xâm phạm quyền SHTT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và chủ sở hữu, thông qua các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện tội phạm, kiên quyết xử lý đúng pháp luật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân được biết.
- Quy định rõ cơ quan đầu mối quản lý và có chế tài xử lý thích hợp đối với các vi phạm của cả người thực thi cũng như người quản lý việc thực thi.
- Mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia xây dựng lực lượng cảnh sát chuyên trách chống tội phạm đặt trụ sở tại một số quốc gia trong khu vực nhằm phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về xâm phạm sở hữu trí tuệ.
- Để phát triển bền vững trong hội nhập và hội nhập hiệu quả trên phương diện bảo vệ hợp pháp quyền SHTT, cần đẩy mạnh đào tạo và đào tạo theo quy chuẩn quốc tế nguồn nhân lực về SHTT.
- Trong quá trình giải quyết các tranh chấp về QSHCN cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án, Viện Kiểm sát với các cơ quan chức năng về SHTT để cùng tham gia khi có vấn đề về chuyên môn liên quan. Cụ thể khi Tòa án có văn bản lấy ý kiến, thì tùy từng trường hợp cụ thể mà các cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời về các vấn đề mà Tòa án yêu cầu hoặc thành lập hội đồng giám định để thực hiện yêu cầu của Tòa án theo quy định của pháp luật. Khi xét xử các vụ án dân sự liên quan đến QSHCN, Tòa án cần thông báo để các cơ quan này có thể tham gia tố tụng hoặc theo dõi kết quả bảo vệ QSHCN trong phạm vi chức năng của mình. Trong quá trình xử lý xâm phạm, giải quyết tranh chấp, nếu thấy hành vi xâm phạm QSHCN đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của BLHS thì các cơ quan chức năng thông báo và chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra để thụ lý giải quyết.
4.3. Nhóm giải pháp về nâng cao năng lực của Toà án:
- Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán theo hướng chuyên sâu về sở hữu trí tuệ. Hiện nay, đa số cán bộ, Thẩm phán của các Tòa án còn thiếu kiến thức chuyên sâu về sở hữu trí tuệ, rất ít cán bộ, Thẩm phán được đào tạo về sở hữu trí tuệ. Do vậy, cần chú trọng xây dựng các mục tiêu và chương trình đào tạo có hệ thống để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vu chuyên sâu về sở hữu trí tuệ cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán ở các Tòa án hiện nay, tiến tới mô hình có các Thẩm phán chuyên xét xử về các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Cần chú trọng công tác bồi dưỡng theo chuyên đề kết hợp với việc tổ chức nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế về sở hữu trí tuệ và triển khai các công tác này một cách rộng khắp để cho đông đảo các cán bộ Thẩm phán có thể tiếp cận được.
- Tòa án nhân dân tối cao cũng cần thường xuyên thực hiện việc tổng kết công tác thực tiễn công tác xét xử các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, trên cơ sở đó tổ chức rút kinh nghiệm về nghiệp vụ giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ để phổ biến cho Tòa án nhân dân các cấp.
- Nghiên cứu mô hình Tòa SHTT theo kinh nghiệm của một số nước để khi có đủ điều kiện đề nghị thành lập Tòa SHTT phù hợp với Việt Nam. SHTT nói chung và SHCN nói riêng là lĩnh vực chuyên môn sâu, phức tạp, vì vậy, việc giải quyết tranh chấp về SHTT cần có Toà án chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này. Toà nên được đặt tại cấp tỉnh (ban đầu có thể đặt tại các tỉnh, thành phố lớn) với thẩm quyền xét xử các vụ án liên quan đến QSHTT, bao gồm cả hình sự, dân sự và hành chính. Bên cạnh các quy định chung về nguyên tắc xét xử, cần ban hành các quy định riêng về thủ tục xét xử các vụ án về SHTT, theo đó thủ tục xét xử cần được tiến hành một cách linh hoạt, đơn giản hoá, ngắn gọn, có thể học tập kinh nghiệm của một số nước như thẩm vấn nhân chứng qua điện thoại, không được hoãn phiên toà, xét xử bí mật… Nhiều nước trên thế giới đã có hệ thống Tòa án SHTT như Mỹ, Nhật, Thái Lan… Thực tế, việc thành lập Tòa chuyên biệt như Thái Lan, Đức... đã tỏ ra rất hiệu quả đối với sự phát triển thương mại và đầu tư quốc tế, trong những năm nửa cuối của thập niên 90, trong điều kiện nhiều lĩnh vực kinh doanh và tài chính gặp khó khăn nhưng Thái Lan đã quyết tâm thành lập Tòa án Trung ương về SHTT và Thương mại quốc tế (viết tắt là Tòa IP&IT).
4.4. Nhóm giải pháp về tuyên truyền giáo dục:
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên và phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa và đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ:
- Đưa nội dung giáo dục vào các trường cao đẳng, đại học để đào tạo cho sinh viên hiểu về SHTT cũng như các luật pháp liên quan.
- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về sở hữu trí tuệ trong các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể, đồng thời kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền. Từ đó xây dựng ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.
- Xây dựng các phiên toà mẫu để xét xử các vụ án dân sự về SHCN, tổ chức tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm trong việc giải quyết các tình huống tại phiên toà.
- Thực hiện việc công bố các quyết định, bản án của Toà án về SHCN. Việc công bố này sẽ tăng cường tính minh bạch và có tác dụng trong việc giúp Toà án các cấp áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử, nâng cao chất lượng của việc ra bản án, kinh nghiệm khai thác và đánh giá chứng cứ, đồng thời tuyên truyền cho người dân, các doanh nghiệp thấy được kết quả giải quyết các vụ án của toà án để phòng ngừa khả năng xâm phạm và hiểu được các quy định của pháp luật liên quan đến việc bảo vệ quyền SHCN.
4.5. Nhóm giải pháp về phía doanh nghiệp:
- Doanh nghiệp phải đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nếu doanh nghiệp không nhanh chóng đăng ký bảo vệ nhãn hiệu của mình khi xảy ra vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ khó đủ cơ sở pháp lý bảo hộ quyền của mình.
- Để hạn chế ở mức thấp nhất tài sản trí tuệ bị xâm phạm, nên có một hệ thống nhân sự và kỹ thuật chuyên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Những doanh nghiệp có uy tín trên thế giới đều rất coi trọng vấn đề thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, hàng hóa để bảo vệ quyền lợi của chính mình và quyền lợi của cộng đồng. Ngay tại Việt Nam, việc Công ty Unilever đã thành lập “đội ACF” với chức năng là chuyên bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các nhãn hàng của Công ty trên cơ sở  chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng, là một kinh nghiệm tốt.
- Đầu tư vào khâu thiết kế để đưa ra dòng sản phẩm khác biệt, để người tiêu dùng dễ nhận ra những sản phẩm chính hãng.
- Thường xuyên thay đổi thiết kế mẫu mã sản phẩm, hạ giá thành để chủ động đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng nhái.
- Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn và xử lý tận gốc hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Sự tồn tại của hệ thống bảo hộ công nghệ đóng vai trò quan trọng trong các quyết định chuyển giao công nghệ trong hoạt động đầu tư trực tiếp. Một hệ thống bảo hộ có hiệu quả ở một nước đang phát triển sẽ tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư, đặc biệt là trong các quyết định chuyển giao công nghệ, đồng thời sẽ góp phần cải thiện vị thế của quốc gia đó trong cuộc cạnh tranh khu vực cũng như quốc tế về vốn đầu tư và chuyển giao công nghệ. Bảo hộ SHTT như vậy sẽ trở thành động lực chuyển giao và ứng dụng công nghệ ở các nước đang phát triển đồng thời cũng là cách thức để tiến trình hội nhập quốc tế của các nước đang phát triển hiệu quả hơn, vững vàng hơn./.
KẾT LUẬN

Qua các phần tìm hiểu và phân tích thực trạng của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong những năm qua, ta có thể thấy được sự phát triển vượt bậc trong nhận thức về tầm quan trọng của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Điều này thể hiện rõ trong việc xúc tiến thúc đẩy tham gia các công ước đa phương và song phương về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là Hiệp định thương mại Việt –Mỹ, Hiệp định TRIPs của WTO, và trong tương lai là Hiệp định TRIPs+ của Hiệp định TPP.
Tuy nhiên, sự nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam trong vấn đề này vẫn chưa thật sâu sắc, điều này thể hiện qua số lượng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Hầu như các đơn đăng ký bảo hộ đều là của các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó khi các tranh tụng về sở hữu trí tuệ xảy ra, doanh nghiệp Việt Nam luôn là người chịu thiệt vì không đăng ký bảo hộ. Do đó cần phải đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền để mọi người dân nhận thức rõ ràng và sâu sắc về sở hữu trí tuệ, để có thể biết cách mà bảo vệ quyền lợi của mình.
Bên cạnh vấn đề nhận thức của người dân thì sự yếu kém trong công tác quản lý cũng như cơ chế thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gặp nhiều khó khăn và kém hiệu quả.
Cần phải đẩy mạnh đào tạo cán bộ nguồn, năng cao nâng lực chuyên môn của công nhân viên chức, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các khung hình phạt đủ tính răn đe và ngăn chặn việc vi phạm sở hữu trí tuệ.
Với tình hình hội nhập ngày càng cao thì vai trò của sở hữu trí tuệ ngày càng quan trọng hơn và mang tính quyết định đối với thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đối với những ngành công nghiệp cao. Chính vì vậy, nâng cao hiệu lực thực thi bảo hộ quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ là điều cấp bách mà Chính phủ cần phải đặc biệt chú trọng xem xét, cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp.


aaaaaaaaaaaa

Trang Tài Liệu Tổng Hợp Online
Thời gian: 2015-04-09T21:08:00-07:00
Bài viết:Luận văn tìm hiểu bảo vệ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
Xếp hạng: 5 trên 22 đánh giá

About Unknown

Xin chào! Tôi là Mua Lê sinh ra và lớn lên tại thành phố bảo lộc - lâm đồng
«
Next
Newer Post
»
Previous
Older Post

No comments:

Leave a Reply